Chị Nguyễn Thị Nhanh (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội):
Hãy để cho con trẻ có một thanh xuân rực rỡ
Chúng ta vẫn thường nói thời học sinh là quãng thời gian đẹp nhất trong những năm tháng thanh xuân. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển của xã hội, ngày nay mỗi học sinh ở độ tuổi “cắp sách tới trường” lại luôn bị ám ảnh bởi điểm số, thứ hạng, trường top đầu...
Chị Nguyễn Thị Nhanh (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) |
Vấn đề này đã và đang đè nặng lên đôi vai của mỗi học sinh giai đoạn chuyển cấp, thi đại học. Đây cũng là một trong những lý do khiến tỷ lệ trầm cảm ở lứa tuổi vị thành niên ngày càng gia tăng, gây nhiều hệ lụy.
Vì vậy, tôi rất mong, ngành Giáo dục và các nhà trường cần có những phương pháp giáo dục giảm tải hơn, để các con có một thanh xuân rực rỡ.
Bên cạnh đó, tôi đề xuất cần cắt giảm tinh gọn những phong trào cuộc thi nặng hình thức, phong trào hoặc một số cuộc thi tạo áp lực không cần thiết, không chỉ gây tốn kém kinh phí mà còn khiến học sinh mất đi cơ hội phát triển toàn diện, nhất là những cuộc thi có gắn mác quốc tế.
Ngoài ra, ngành Giáo dục cần cải tiến việc thi theo hướng tinh gọn, nhất là kì thi tốt nghiệp THPT nên giao về cho các địa phương tổ chức thi hoặc xét để công nhận tốt nghiệp. Hiện nay, mới có 23 trường đại học công lập được quyền thí điểm thực hiện tự chủ đại học, các trường đại học còn lại vẫn đang được hoạt động theo cơ chế chủ quản.
Việc thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 chỉ còn 4 môn, với 2 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn được dự đoán sẽ tác động đáng kể đến xu hướng chọn môn của học sinh ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau.
Đây là hướng đi đúng phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018, phát huy phẩm chất, năng lực, định hướng nghề cho các em ngay từ đầu cấp THPT là khoa học phù hợp xu thế, thực tế.
Chị Nguyễn Thị Thương (Sóc Sơn, Hà Nội):
Thúc đẩy xây dựng trường học hạnh phúc
Thời gian qua, tôi thấy trên địa bàn Hà Nội có nhiều trường triển khai các chương trình xây dựng trường học hạnh phúc. Có trường làm thành công và cũng có trường mới chỉ dừng lại ở hình thức.
Đọc báo cáo của một số trường tiên phong làm mô hình này, tôi thấy các chỉ số hạnh phúc của giáo viên, học sinh đều tăng; có trường còn đang tiến hành ứng dụng công nghệ để nắm bắt tâm lý học sinh hàng ngày, tôi thấy rất tuyệt vời. Tôi rất mong mô hình trường học hạnh phúc sẽ được nhân rộng với những cách làm thực chất để mang lại những hiệu quả tích cực cho các em.
Chị Nguyễn Thị Thương (Sóc Sơn, Hà Nội) |
Cá nhân tôi cho rằng, để làm tốt mô hình này thì các trường học phải đảm bảo phát huy dân chủ, đem lại hạnh phúc cho cả thầy và trò, để không còn xảy ra tình trạng thầy cô xúc phạm thân thể, danh dự học sinh và cũng không còn việc bạo lực xảy ra trong học đường.
Anh Nguyễn Văn Hiến (Hà Đông, Hà Nội):
Tránh việc lạm thu đầu năm học
Tôi nghĩ rằng, ngoài các khoản thu theo quy định, phụ huynh nào có con em đi học cũng sẵn sàng chung tay đóng góp thêm theo đề xuất của hội phụ huynh để các cháu có điều kiện học tập đầy đủ, tốt hơn.
Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng lạm thu đầu năm học vẫn xảy ra ở không ít nhà trường, địa phương, gây bức xúc cho phụ huynh. Điều đó phần nào làm xấu đi hình ảnh người thầy giáo, cô giáo.
Anh Nguyễn Văn Hiến (Hà Đông, Hà Nội) |
Theo tôi, để tránh tình trạng lạm thu, phụ huynh phải thảo luận, cân nhắc cẩn thận và cần thống nhất cao với nhau về khoản thu tự nguyện này. Quá trình chi phải công khai và phục vụ đúng mục đích. Đặc biệt, khi phát hiện các khoản chi không hợp lý, phụ huynh nên có ý kiến kịp thời, không nên để xảy ra các ý kiến tiêu cực xung quanh việc đóng góp các khoản cho lớp, trường.
Ngoài ra, các trường không nên ép học sinh mua/may quần áo đồng phục trái quy định dưới mọi hình thức. Với các khoản thu để mua sắm, phục vụ trực tiếp cho học sinh học tập, sinh hoạt, các cơ sở giáo dục cần thống nhất chủ trương, kiểu mẫu với phụ huynh học sinh để phụ huynh học sinh tự lựa chọn và quyết định hình thức mua phù hợp.
Chị Nguyễn Thị Luyện (Phú Xuyên, Hà Nội):
Xây dựng một bộ sách giáo khoa chuẩn duy nhất
Theo tôi cần một bộ sách giáo khoa thống nhất cho học sinh cả nước thay vì nhiều bộ khác nhau như hiện nay.
Chị Nguyễn Thị Luyện (Phú Xuyên, Hà Nội) |
Mấy năm qua, tôi thấy cứ loay hoay đổi sách giáo khoa nhưng cuối cùng các em vẫn phải lo sợ trong mỗi kỳ thi. Nhiều bộ sách cũng được nhưng phải có sự khác biệt rõ ràng, chứ hiện nay các bộ sách chỉ đảo lộn nội dung với nhau theo kiểu “Bình mới rượu cũ” dẫn đến lộ trình kiến thức không thống nhất cho cả nước.
Vậy khi tổ chức các kỳ thi chung thì ra đề theo lộ trình kiến thức của bộ sách nào? Vì thực tế là hai bạn hàng xóm cùng học lớp 9 nhưng lại không thể trao đổi bài tập được với nhau vì học khác bộ sách.
Thiết nghĩ, nếu chúng ta muốn đổi mới giáo dục thì phải xây dựng được lộ trình dài hạn trong nhiều năm. Sách giáo khoa cũng chỉ cần một bộ thật chuẩn, có sự đánh giá của những người có trình độ chuyên môn cao nhất, giỏi nhất trong ngành Giáo dục.
Khi xây dựng xong xuôi mới đưa ra áp dụng. Hiện, chương trình xây dựng chưa xong đã đưa ra thử nghiệm, mỗi năm lại thay đổi một kiểu, khiến học sinh chịu rất nhiều thiệt thòi, phụ huynh tốn kém về kinh tế, còn giáo viên lại vô cùng vất vả trong việc nghiên cứu bài dạy.
Thực tế cho thấy, chất lượng giáo dục phụ thuộc rất lớn vào chất lượng kết nối giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh. Vì vậy, việc quan tâm, phối hợp và lắng nghe kỳ vọng của phụ huynh với ngành giáo dục sẽ tạo ra những đổi mới, thành tựu mới, từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục.