• :
  • :

Phổ biến pháp luật an toàn lao động đến hơn 200 công nhân

(12/06/2024)

Sáng 12/6, Báo Lao động Thủ đô và Công đoàn Ngành Xây dựng Hà Nội phối hợp tổ chức chương trình đối thoại - giao lưu trực tuyến truyền thông chính sách với chuyên đề “Tuyên truyền phổ biến pháp luật về an toàn vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội”.

Chương trình có sự tham gia của hơn 200 đoàn viên công đoàn, người lao động của các đơn vị thuộc Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội.

Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy nhấn mạnh, chủ đề “Tuyên truyền phổ biến pháp luật về an toàn lao động và bảo hiểm xã hội” mang ý nghĩa rất thiết thực với số đông người lao động, nhất là lao động ngành xây dựng vốn mang tính đặc thù là lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao. Vì vậy, công tác an toàn lao động luôn được các cấp Công đoàn coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Phổ biến pháp luật an toàn lao động đến hơn 200 công nhân
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy phát biểu tại chương trình

Trong khuôn khổ chương trình, các chuyên gia trong các lĩnh vực pháp luật, chính sách, bảo hiểm xã hội đã giải đáp thắc mắc của người lao động. Chị Quán Thị Hồng Thuận, làm việc tại Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông hỏi: Người lao động bị tai nạn lao động phải nghỉ 6 tháng. Xin hỏi khi về hưu có bị trừ 6 tháng nghỉ này vào năm công tác để đóng BHXH không?

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội trả lời: Người lao động bị tai nạn lao động thì được nghỉ chế độ dành cho tai nạn lao động. Thời gian này người lao động đang được trả lương và chủ sử dụng lao động vẫn đóng BHXH cho người lao động nên không bị trừ vào năm đóng BHXH. Trừ trường hợp sau khi nghỉ hết chế độ tai nạn lao động và xin nghỉ không lương, thì thời gian nghỉ không lương này sẽ không được tính.

Phổ biến pháp luật an toàn lao động đến hơn 200 công nhân
Các chuyên gia giải đáp tại chương trình

Anh Nguyễn Thế Trung, Công ty Cổ phần nước sạch Sông Đà, hỏi: Người lao động có được quyền ký hợp đồng lao động với nhiều công ty hay không? Khi người lao động gặp tai nạn lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm gì?

Luật sư Phạm Ngọc Minh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Everest giải đáp: Pháp luật công nhận một người lao động có quyền làm việc cho chủ sử dụng lao động, nhưng các bên phải đảm bảo thực hiện đúng các hợp đồng lao động đã ký kết. Về vấn đề tai nạn lao động, trước hết là phải xác định được đó là tai nạn lao động gắn với công việc của người lao động đó. Về các chế độ, chủ sử dụng lao động phải thực hiện các nghĩa vụ liên quan.

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu bổ sung, khi có nhiều hợp đồng lao động khác nhau thì tất cả các hợp đồng lao động đều phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp, đó là điều quan trọng nhất. Khi bị tai nạn lao động, tùy vào công việc, thời gian của chủ sử dụng lao động thì chủ sử dụng đó phải đứng lên làm tất cả thủ tục liên quan đến chi trả chế độ tai nạn lao động từ giám định y khoa, đến thành lập đoàn kiểm tra.

Phổ biến pháp luật an toàn lao động đến hơn 200 công nhân
Người lao động đặt câu hỏi tại chương trình

Chị Phạm Thu Huyền, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội hỏi: "Nơi tôi làm có người lao động sinh năm 1969 và năm nay bắt đầu ký hợp đồng lao động và đóng BHXH, khi nghỉ hưu thì chú được hưởng chế độ gì?".

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu giải đáp: Mỗi cá nhân sẽ có thời gian đóng bảo hiểm xã hội khác nhau, trường hợp người này chưa có bảo hiểm xã hội khi ký hợp đồng lao động đương nhiên sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội. Với trường hợp này, khi nghỉ hưu chúng ta có thể giải quyết chế độ bảo hiểm 1 lần hoặc tham gia thêm 5 năm nữa, tức là đóng 10 năm bảo hiểm xã hội để được nhận thêm lương hưu. Theo tôi biết dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi mới, có thể tăng số năm đóng BHXH lên 15 năm, các điều kiện khác nhau nên sự linh động cũng sẽ khác nhau để quyền lợi của người lao động có thể được đảm bảo tối đa nhất.

Thông qua chương trình, những lao động trực tiếp, đặc biệt là lao động trong ngành xây dựng đã nâng cao hiểu biết về quyền lợi của bản thân liên quan đến pháp luật về lao động, về quyền lợi hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ khi bị tai nạn lao động…

Link bài gốc Copy link