Du khách hào hứng với trải nghiệm đặc sản
Những ngày này, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đang đón tiếp khá nhiều du khách đến từ các địa phương lân cận, từ tỉnh Vĩnh Phúc hay Hòa Bình. Nguyên nhân một phần do sức hút từ các giá trị văn hoá, lịch sử của vùng đất hai vua.
Bên cạnh đó, du khách khắp nơi cũng đổ về Sơn Tây nhằm trải nghiệm mua sắm tại sự kiện quảng bá sản phẩm OCOP các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.
Hào hứng tham quan các gian hàng vào tối 7/7, chị Cao Thị Thanh (ở xã Long Xuyên, Phúc Thọ, Hà Nội) cho biết, chị rất ấn tượng với những sản phẩm mang đậm tính địa phương được trưng bày, mua bán tại sự kiện.
Du khách trải nghiệm đặc sản vùng đất Đường Lâm, Sơn Tây |
"Bình thường, để mua các sản phẩm về đồ lưu niệm như: Gốm sứ, mây tre đan, khảm trai hay nhóm sản phẩm liên quan ẩm thực như: Trà sen, bánh cuốn, giò chả... tôi phải di chuyển những quãng đường rất xa.
Vì thế, tham gia sự kiện quảng bá sản phẩm OCOP các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, tôi và gia đình có thể trải nghiệm rất nhiều đặc sản khác nhau", chị Thanh hồ hởi nói.
Theo Ban Tổ chức, trong những ngày đầu, sự kiện quảng bá sản phẩm OCOP các tỉnh Đồng bằng sông Hồng đã thu hút hàng vạn lượt khách tham quan, mua sắm. Như vậy, nhu cầu của du khách gắn với các sản phẩm OCOP là hiện hữu.
Tại huyện Thường Tín, địa phương nổi danh với các làng nghề truyền thống, du lịch gắn với sản phẩm OCOP đã và đang được quan tâm đặc biệt.
Sản phẩm OCOP được đông đảo người dân đón nhận |
Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, tính đến nay, trên địa bàn huyện có 180 sản phẩm được công nhận OCOP ở các nhóm ngành thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, trang trí, thảo dược, nông sản…
Trong đó, 77 sản phẩm còn hạn (27 sản phẩm 3 sao, 50 sản phẩm 4 sao), 103 sản phẩm hết hạn (năm 2019 có 22 sản phẩm và năm 2020 có 81 sản phẩm).
"Để gắn du lịch với sản phẩm làng nghề, huyện Thường Tín đã thành lập trang web quảng bá văn hóa - du lịch - làng nghề và xúc tiến thương mại các sản phẩm, đặc biệt là với sản phẩm OCOP trên địa bàn", ông Bùi Công Thản nhấn mạnh.
Tài nguyên du lịch từ sản phẩm OCOP
Hà Nội là “đất trăm nghề” với 1.350 làng nghề, trong đó có 331 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận.
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay Hà Nội đã đánh giá, phân hạng 2.723 sản phẩm, trong đó: 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao, 6 sản phẩm tiềm năng 4 sao, 1.226 sản phẩm 3 sao.
Khách tham quan sản phẩm OCOP tại Thường Tín |
Đáng chú ý, Hà Nội hiện có 1.090 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động; 1.695 trang trại, 149 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm; 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao; hơn 13.000 sản phẩm nông lâm thủy sản đã được cấp mã truy xuất nguồn gốc (QR Code).
Đây là nguồn lực thực tiễn, là điều kiện thuận lợi để phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống, và sản xuất hàng nông sản thực phẩm an toàn và chất lượng cao của thành phố Hà Nội.
Phát triển du lịch được kỳ vọng giúp giải quyết tốt bài toán đầu ra cho sản phẩm làng nghề, xuất khẩu trực tiếp, cũng như quảng bá nét đẹp văn hóa các làng nghề của Hà Nội.
Thời gian qua, một số làng nghề đã thực hiện khá tốt việc gắn sản xuất với du lịch, như làng nghề gốm Bát Tràng, nghề dệt lụa ở Vạn Phúc, nghề mây tre giang đan ở Phú Vinh... cùng những làng hoa, cây cảnh nổi tiếng như Nhật Tân, Quảng Bá, Nghi Tàm, Tây Tựu, Mê Linh...
Mỗi năm, sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống xã Hồng Vân đón tiếp hàng vạn du khách |
Đơn cử như làng nghề Bát Tràng, hiện nay đã không ngừng đổi mới công nghệ sản xuất, mẫu mã sản phẩm, hướng tới trở thành làng nghề kiểu mẫu của Thủ đô. Bát Tràng hiện là một trong hai điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của huyện Gia Lâm.
Tương tự như vậy, tại huyện Thường Tín, địa phương này đã xây dựng được hai điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại xã Hồng Vân và chợ Vồi, xã Hà Hồi nhằm đáp ứng tiêu chuẩn điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP theo quy định của TP.
Đồng thời, huyện đề xuất với các sở, ngành chuyên môn xây dựng thêm điểm giới thiệu sản phẩm OCOP ở xã Duyên Thái.