• :
  • :

Phát triển công nghiệp văn hóa - tiềm năng và thách thức

(13/02/2025)

Công nghiệp văn hóa đang ngày càng trở thành một lĩnh vực quan trọng trong chiến lược phát triển của Hà Nội, góp phần tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Hoàng Mai - quận nội thành phía Nam Thủ đô Hà Nội - sở hữu hệ thống di tích phong phú, làng nghề truyền thống lâu đời và quỹ đất rộng lớn nhưng đến nay, công nghiệp văn hóa tại đây vẫn chủ yếu dừng lại ở tiềm năng, chưa thực sự tạo ra giá trị kinh tế rõ nét.

Vùng đất nhiều tiềm năng

Với diện tích hơn 40km² và dân số trên 700.000 người, Hoàng Mai là một trong những quận có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất Hà Nội. Trên địa bàn quận hiện có 87 di tích lịch sử, trong đó 52 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và thành phố, cùng nhiều làng nghề truyền thống như mỹ nghệ đậu bạc Định Công, bánh cuốn Thanh Trì, đậu mơ Mai Động.

Ngoài ra, Hoàng Mai còn có lợi thế về không gian với các công viên và hồ nước lớn như công viên Yên Sở, hồ Linh Đàm, hồ Đền Lừ, cùng với hơn 1.000ha đất vùng bãi sông Hồng, mở ra tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, kinh tế đêm và không gian sáng tạo.

Công nghiệp văn hoá ở Hoàng Mai: Tiềm năng và thách thức
Một góc hồ Linh Đàm

Tuy nhiên, dù có nhiều lợi thế, công nghiệp văn hóa của quận Hoàng Mai vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển, chưa có nhiều sản phẩm văn hóa - du lịch mang thương hiệu riêng.

Các di tích lịch sử chủ yếu vẫn mang giá trị bảo tồn, chưa được khai thác thành các điểm đến du lịch hấp dẫn. Các làng nghề truyền thống vẫn hoạt động theo mô hình nhỏ lẻ, thiếu sự đầu tư để trở thành sản phẩm văn hóa - thương mại quy mô lớn.

Những bước đi ban đầu

Thực tế, trong những năm qua, quận Hoàng Mai đã có những bước khởi đầu trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, với một số hoạt động.

Rõ ràng nhất đó là việc quận đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích: Từ năm 2021 đến nay, quận đã thực hiện 47 dự án văn hóa, di tích với tổng mức đầu tư hơn 451 tỷ đồng để chống xuống cấp, bảo tồn các di tích quan trọng như đình Linh Đàm, đình miếu Định Công Thượng, đình Nam Dư Thượng…

Hoàng Mai cũng đã thực hiện số hóa một phần di sản. Cụ thể, một số di tích trên địa bàn đã được mã hóa địa chỉ, giúp người dân và du khách dễ dàng tra cứu thông tin qua các thiết bị di động.

Công nghiệp văn hoá ở Hoàng Mai: Tiềm năng và thách thức
Lễ hội Vật cầu Lĩnh Nam diễn ra sôi nổi ngay từ ngày đầu năm mới

Bên cạnh đó, quận đã thực hiện bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống. Theo đó, nghề làm bánh cuốn Thanh Trì, mỹ nghệ đậu bạc Định Công đã được vinh danh, tạo điều kiện để quảng bá sản phẩm.

Quận đã có các hoạt động thường niên như liên hoan hát văn, hát chèo, múa lân sư rồng, nhưng chưa thực sự phát triển thành các sự kiện thu hút du lịch.

Dù vậy, đây mới chỉ là những bước khởi đầu và chưa đủ để tạo nên một ngành công nghiệp văn hóa có đóng góp lớn vào kinh tế địa phương.

Hướng phát triển công nghiệp văn hóa trong tương lai

Nhận thức được tiềm năng chưa được khai thác hết, chính quyền quận Hoàng Mai đang định hướng một số chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trong thời gian tới. Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Võ Xuân Trọng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết:

Với hơn 1.000ha đất vùng bãi, Hoàng Mai có điều kiện để phát triển các dự án du lịch sinh thái gắn với văn hóa. Hiện tại, quy hoạch chi tiết 1/500 đã được triển khai, trong đó, quận đặt mục tiêu phát triển: Tour du lịch sông Hồng kết hợp khám phá di tích, làng nghề, không gian sinh thái; Không gian trưng bày sản phẩm làng nghề, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của Hoàng Mai; Mô hình nông nghiệp sinh thái, giúp du khách trải nghiệm thực tế gắn với các giá trị văn hóa bản địa. Tuy nhiên, những kế hoạch này vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu và chưa triển khai trên thực tế.

Bên cạnh tiềm năng bãi sông Hồng, Hoàng Mai cũng hướng đến việc tận dụng hồ Linh Đàm, hồ Đền Lừ để xây dựng không gian sáng tạo, tổ chức các sự kiện văn hóa - nghệ thuật để phát triển không gian sáng tạo và kinh tế đêm.

Ngoài ra, quận cũng có kế hoạch: Phát triển tuyến phố đêm tại khu vực phố Văn Tân, kết hợp kinh tế đêm với các hoạt động văn hóa; hợp tác với doanh nghiệp để hình thành các trung tâm sáng tạo, tương tự mô hình của Gamuda City.

Tuy nhiên, các tuyến phố đêm và không gian sáng tạo vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, chưa có dự án cụ thể nào được triển khai.

Hoàng Mai trong bức tranh công nghiệp văn hóa Hà Nội

Trong khi các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ đã phát triển mạnh về du lịch văn hóa, kinh tế đêm và không gian sáng tạo, Hoàng Mai vẫn đang ở giai đoạn chuẩn bị nền tảng, chưa có nhiều hoạt động công nghiệp văn hóa mang lại lợi ích kinh tế đáng kể.

Hà Nội đặt mục tiêu công nghiệp văn hóa đóng góp 8 - 10% GRDP vào năm 2025 nhưng Hoàng Mai mới chỉ đặt mục tiêu 5% ngân sách quận. Điều đó cho thấy quận vẫn còn nhiều việc phải làm để theo kịp xu hướng phát triển chung của thành phố.

Mặc dù có tiềm năng lớn nhưng để Hoàng Mai thực sự phát triển công nghiệp văn hóa, quận cần giải quyết một số thách thức: Thiếu chiến lược cụ thể để khai thác tiềm năng sẵn có; chưa có sản phẩm văn hóa - du lịch mang thương hiệu riêng; hạ tầng hỗ trợ công nghiệp văn hóa còn hạn chế; đầu tư, hợp tác của doanh nghiệp.

Có thể nói, quận Hoàng Mai có đầy đủ điều kiện để trở thành một trung tâm công nghiệp văn hóa mới của Hà Nội. Để làm được điều đó, quận cần chuyển từ định hướng sang hành động cụ thể.

Nếu các kế hoạch hiện tại được triển khai hiệu quả, trong tương lai, Hoàng Mai có thể vươn lên trở thành một điểm sáng trong bản đồ công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

 

 
Link bài gốc Copy link