Khi công nghệ “thổi hồn” cho lễ hội truyền thống
Đầu tháng 2/2024, thông tin về Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2024 nhân kỷ niệm 1984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trung phủ khắp mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok…
Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2024 ngoài các nghi thức truyền thống như rước kiệu, cúng tế còn thu hút và được giới trẻ chào đón nhờ điểm nhấn là chương trình nghệ thuật trình diễn âm thanh, ánh sáng đặc sắc theo công nghệ hiện đại với tên gọi “Âm vang Mê Linh”.
Những hình ảnh tại chương trình “Âm vang Mê Linh” |
Ông Đào Mạnh Hùng, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Mê Linh chia sẻ, lễ hội năm nay có nhiều đổi mới mang tính chất đột phá. Điều này xuất phát từ chủ trương xây dựng chương trình nghệ thuật với kỳ vọng tạo sản phẩm văn hóa mới nhằm phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của di tích, góp phần thúc đẩy văn hóa du lịch tâm linh gắn với phát huy tiềm năng giá trị di sản trên địa bàn huyện.
Chủ đề “Âm vang Mê Linh” có sự kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai, gợi nhiều sự liên tưởng, dễ dàng truyền tải nhiều thông điệp nội dung; đưa khán giả đến gần với dữ liệu lịch sử thời Hai Bà Trưng một cách tinh tế, hấp dẫn, hiệu quả. Khán giả đã có những trải nghiệm độc đáo trong một không gian của vùng đất Âu Lạc ở buổi đầu lập nước, giữ nước.
Công nghệ 3D mapping đã vẽ lại bức tranh oanh liệt thời đại Hai Bà Trưng bằng ánh sáng, mang đến cho người xem những trải nghiệm hình ảnh chân thực, sống động, ấn tượng và đưa câu chuyện lịch sử chạm đến mọi giác quan một cách chân thực nhất.
Tiết mục văn nghệ đặc sắc tại chương trình |
Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Trần Mạnh Thắng vui mừng chia sẻ, nhờ “Âm vang Mê Linh”, lượng khách tới di tích đền Hai Bà Trưng đã tăng gấp 3 năm ngoái. Đây là một tín hiệu khởi sắc, cho thấy sức hấp dẫn của lễ hội này nhờ việc đổi mới công tác tổ chức.
“Nếu như trước đây, công tác tổ chức lễ hội truyền thống tập trung nhiều vào nghi lễ thì giờ chúng tôi hướng cả đến phần hội và ứng dụng công nghệ thông tin, hình thức truyền tải mới cho người dân và du khách. Việc tuyên truyền cho Nhân dân không chỉ tập trung trên đài phát thanh huyện mà qua nhiều hình thức số như Zalo của các tổ, thôn, xóm, fanpage của huyện, hay tận dụng các KOLs để cùng lan tỏa trên mạng xã hội như Facebook, Tiktok…
Trước, trong và sau lễ hội, chúng tôi đều lên kế hoạch tuyên truyền bài bản, nhắm trúng đối tượng trẻ thích ứng nhanh với công nghệ, nhờ đó, thông tin được lan truyền rộng rãi hơn nhiều so với phương thức cũ”, ông Thắng nói.
Sức hấp dẫn của những lễ hội mới
Cũng với chủ trương khai thác mọi nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa, thời gian gần đây, huyện Tây Hồ liên tục tổ chức các lễ hội hoành tráng với công nghệ chưa từng có. Cụ thể, tại chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2024 - Get on Hanoi 2024” với chủ đề “Sắc hương Tây Hồ”, quận đã tổ chức chương trình nghệ thuật bán thực cảnh mang tính sử thi và màn trình diễn ánh sáng công nghệ laser mapping.
Chương trình kết hợp yếu tố sử thi và biểu diễn hiện đại, mang đến câu chuyện về Hà Nội tinh hoa và phát triển với sự tham gia của gần 50 diễn viên chuyên nghiệp và 150 người dân Nhật Tân. Màn biểu diễn ánh sáng với 300 drone (thiết bị bay không người lái) đã thực sự đem đến cho người dân Thủ đô và du khách những trải nghiệm thú vị.
Công nghệ trình diễn ánh sáng đang góp phần làm nên những sản phẩm du lịch đặc sắc của quận Tây Hồ (Hà Nội) |
Vẫn còn nguyên cảm xúc sau khi chen vào dòng người để xem trình diễn ánh sáng ở Tây Hồ, chị Nguyễn Thanh Nga (ở phường Quảng An, Tây Hồ) chia sẻ: “Tôi sống ở đây 30 năm những chưa bao giờ thấy quận có nhiều hoạt động văn hóa, giải trí như gần đây.
Khi chiêm ngưỡng những hình ảnh mang tính biểu tượng của quận Tây Hồ như: Cầu Nhật Tân, sen bách diệp, hoa đào Nhật Tân… chúng tôi càng hiểu được những “đặc sản” của Tây Hồ và thấy yêu hơn nơi mình đang sống”.
Trước đó, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, lần đầu tiên, “Lễ hội ánh sáng nghệ thuật Hà Nội - Rực rỡ Thăng Long” diễn ra tại Tây Hồ. Màn trình diễn ánh sáng nghệ thuật bằng 2.024 thiết bị bay không người lái mang chủ đề “Một ngày kinh đô - Ngàn năm lịch sử” đã mang đến cho công chúng nhiều cảm xúc khó quên.
Đó là hình ảnh vua Lý Thái Tổ với Chiếu dời đô năm 1010, chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Tháp Rùa, cầu Thê Húc, cầu Long Biên, Nhà hát Hồ Gươm… Đặc biệt ấn tượng và để lại nhiều cảm xúc nhất là hình ảnh rồng thời Lý biểu tượng cho năm Giáp Thìn trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội gửi lời chúc mừng năm mới an khang, thịnh vượng tới mọi người, mọi nhà trên mọi miền Tổ quốc.
Có thể thấy, Lễ hội ánh sáng nghệ thuật Hà Nội - Rực rỡ Thăng Long đã vô cùng rực rỡ, ấn tượng thu hút hàng chục nghìn người dân Thủ đô và du khách quốc tế thưởng thức.
Màn trình diễn ánh sáng tại quận Tây Hồ |
Nhận xét về hướng đi đột phá trong phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội 2 năm gần đây, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội cho rằng: “Sự đổi mới và sáng tạo trong công tác quản lý văn hóa của các quân, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thực sự thổi luồng sinh khí mới cho đời sống tinh thần của người dân Thủ đô.
Những lễ hội truyền thống đã không đơn thuần là mang ý nghĩa tâm linh còn tạo ra giá trị kinh tế - xã hội từ việc thu hút du khách quốc tế. Những lễ hội mới lại được lan tỏa và dễ đi vào lòng người nhờ ứng dụng công nghệ. Công tác tổ chức ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả, phát huy được giá trị của các lễ hội”.
Trên thực tế, Việt Nam có rất nhiều sự kiện đã trở thành sản phẩm du lịch nổi tiếng. Điển hình như: Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng, Lễ hội Carnaval Hạ Long (Quảng Ninh) hay Festival Huế... đã xây dựng trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, đem lại lợi ích kinh tế, giúp quảng bá hình ảnh, khiến địa phương trở thành nơi đáng sống.
Rõ ràng, với những hướng đi rất bài bản, sáng tạo và hiệu quả, TP Hà Nội đang từng bước khai thác đúng hướng mọi nguồn lực văn hóa của Thủ đô trong trong tiến trình phát triển công nghiệp văn hóa.