• :
  • :

Nỗ lực ổn định cuộc sống Nhân dân sau bão, lũ

(10/09/2024)

Khi siêu bão Yagi (bão số 3) quét vào Hà Nội, các lực lượng thuộc Công an TP đã ứng trực tại các điểm nóng, triển khai công tác ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, tất cả vì bình yên cuộc sống của Nhân dân.

Xuyên đêm khắc phục hậu quả mưa bão

Chiều 6/9, trên địa bàn trung tâm TP Hà Nội xuất hiện giông lốc mạnh bởi ảnh hưởng siêu bão Yagi (bão số 3) khiến nhiều cây xanh trên các tuyến phố bị quật đổ đè nhiều người bị thương, thậm chí có người đã tử vong. Ngay khi nhận tin báo lực lượng Công an, Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP đã nhanh chóng có mặt phối hợp đưa người bị nạn đi cấp cứu, chặt hạ, thu gọn cây xanh để giải phóng giao thông.

Tối 7/9, khi siêu bão Yagi tiến vào càn quét các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ trong đó có TP Hà Nội với sức tàn phá khủng khiếp. 100% cán bộ chiến sỹ lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Hà Nội cùng trang thiết bị, phương tiện đã xuyên đêm mùng 7 đến ngày 8/9 thường trực tại các điểm nóng ứng phó với mưa bão, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả do siêu bão gây ra.

Trung tâm chỉ huy Công an TP Hà Nội đã tiếp nhận hàng trăm tin báo, cuộc gọi cứu nạn cứu hộ do ảnh hưởng của bão Yagi gây ra như: cây đổ, gãy, lật, bay mái nhà,… Công an thành phố đã điều động gần 300 lượt xe chuyên dụng chữa cháy, CNCH, phương tiện phá dỡ, cứu nạn, cứu hộ… cùng hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia triển khai công tác cứu nạn, cứu hộ.

Nỗ lực ổn định cuộc sống Nhân dân sau bão, lũ

Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Bắc Từ Liêm xuyên đêm khắc phục hậu quả mưa bão

Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Bắc Từ Liêm xuyên đêm khắc phục hậu quả mưa bão

Để xử lý hàng nghìn cây xanh gãy đổ, lực lượng Công an Hà Nội đã phải dầm mình trong mưa suốt đêm, không quản ngại nguy hiểm. Việc nỗ lực cứu người, di dời tài sản, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân được lực lượng Công an Thủ đô đặt lên trên hết.

Theo ghi nhận tại địa bàn quận Bắc Từ Liêm, trong đêm mùng 7, rạng sáng 8/9, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận đã có mặt tại tuyến đường Văn Tiến Dũng và nhiều nơi khác trên địa bàn quận để cứu hộ, cứu nạn, cắt hạ cây gãy đổ, xử lý mái tôn, rào tôn bị bão quật văng ra đường.

Trao đổi nhanh với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô, một chỉ huy Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết: Bước đầu thống kê trên địa bàn quận có gần 380 cây xanh các loại bị gãy đổ; 7 nhà dân bị tốc mái, 2 nhà bị sập mái; 1 téc nước bị đổ vào mái nhà bên cạnh; đổ 3 bức tường rào và 2 cây cột điện. Công an quận đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động sơ tán 176 người dân tại các khu trọ cũ, nhà tạm, nhà không kiên cố đến nơi an toàn tránh bão. Công an quận đã huy động 304 lượt cán bộ, chiến sỹ phối hợp với các lực lượng chức năng khắc phục hậu quả, đảm bảo giao thông và an toàn cho người dân.

Tại địa bàn quận Tây Hồ, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP cũng khẩn trương chỉ đạo Đội Cảnh sát PCCC và CNCH trên sông phối hợp cùng lực lượng chức năng quận Tây Hồ xuống hiện trường tổ chức tuyên truyền, vận động, sử dụng ca nô hỗ trợ người dân làng chài di chuyển đến khu vực an toàn.

Nỗ lực ổn định cuộc sống Nhân dân sau bão, lũ

Lực lượng CSGT phối hợp lực lượng Quân đội thu gom cây đổ tại các tuyến phố

Lực lượng CSGT phối hợp lực lượng Quân đội thu gom cây đổ tại các tuyến phố

Thông tin về công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 3, đại diện Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Hà Nội chia sẻ, để chuẩn bị tốt nhất về lực lượng, phương tiện triển khai công tác ứng phó với siêu bão Yagi, từ chiều 6/9, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thành phố đã triển khai trực 100% quân số với tinh thần sẵn sàng bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân Thủ đô.

Theo thống kê, từ 12h ngày 6/9 đến 12h ngày 8/9, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an thành phố đã tiếp nhận thông tin báo cháy, yêu cầu cứu nạn, cứu hộ và kịp thời điều động 303 lượt phương tiện, cùng gần 2.000 lượt cán bộ chiến sĩ đến hiện trường tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với 231 vụ việc, trong đó: 7 vụ cháy nhỏ; 14 vụ việc không phân loại cháy; 210 vụ cứu nạn, cứu hộ.

Các đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH cũng tích cực tham gia hỗ trợ các lực lượng tổ chức khắc phục sự cố mái tôn bay, cây đổ, sơ tán người dân trong các ngôi nhà có nguy cơ sập đổ, trong khu vực có nguy cơ ngập lụt… theo điều động của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn. Quá trình thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng và phương tiện tham gia.

Đối mặt với mưa bão nguy hiểm

Đối mặt với mưa bão nguy hiểm, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP đã luôn giữ vững tinh thần trách nhiệm và lòng dũng cảm, bám trụ tại những điểm nóng giúp dân chằng lại nhà cửa, sơ tán người dân khi khẩn cấp và giải cứu người và tài sản bị mắc kẹt quyết cây đổ. Những câu chuyện, những hình ảnh giúp dân trong gian khó, nguy nan của lực lượng Công an Thủ đô được nhiều người chia sẻ trong những ngày qua như việc chiều 7/9, cán bộ, chiến sỹ Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) trên đường đi làm nhiệm vụ về đã dùng xe chuyên dụng che, chắn gió bão cho hàng chục người đi xe máy qua cầu vượt Trần Hữu Dực an toàn.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Ba Đình giải cứu người đàn ông bị thương mắc kẹt trên mái nhà

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Ba Đình giải cứu người đàn ông bị thương mắc kẹt trên mái nhà

Tiếp đến sáng 9/9, trong khi đang tổ chức khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Ba Đình đã phối hợp cùng các lực lượng tại chỗ giải cứu thành công một người bị thương, mắc kẹt trên mái nhà.

Cụ thể, vào hồi 10h ngày 9/9, Công an quận Ba Đình nhận được tin báo về việc một người bị ngã từ trên cao mắc kẹt trên mái tôn nhà 1 tầng tại 23 ngõ Núi Trúc (phường Kim Mã). Chỉ huy đơn vị đã điều động một xe cứu nạn, cứu hộ cùng 6 cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng tới hiện trường tổ chức cứu nạn cứu hộ.

Hiện trường là ngôi nhà 1 tầng có diện tích khoảng 30m2, lợp mái tôn. Lực lượng cứu hộ đã khẩn trương triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đưa người đàn ông bị thương trên mái xuống đất an toàn và vận chuyển đến bệnh viện cấp cứu.

Cùng với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, lực lượng CSGT Công an TP Hà Nội cũng huy động 100% quân số ứng phó với siêu bão Yagi. Tối 7/9, khi đường phố Hà Nội ngổn ngang cây đổ, tôn bay, dây điện đứt… nhưng không ngại hiểm nguy các cán bộ, chiến sỹ CSGT Thủ đô vẫn ứng trực trên các tuyến đường điều tiết, đảm bảo an toàn giao thông, phối hợp giải cứu người và phương tiện bị nạn, thu gom cây đổ, khắc phục hậu quả do siêu bão gây ra.

Hiện trường vụ cây đổ đè ô tô trên đường Láng trong đêm mưa bão

Hiện trường vụ cây đổ đè ô tô trên đường Láng trong đêm mưa bão

Khoảng 22h cùng ngày, trong khi đang thu gom cây đổ trên đường Láng, Tổ công tác của Đội CSGT số 3 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) do Đại uý Nguyễn Văn Hưng làm Tổ trưởng đã phát hiện một cây xanh đường kính 30cm bật gốc, đổ vào xe ô tô 7 chỗ mang biển số 30F-015.xx đang lưu thông ngang số nhà 1194 đường Láng.

Ngay lập tức tổ công tác đã tiếp cận, cùng người dân kịp thời đưa lái xe ra ngoài. Khi được đưa ra khỏi xe, tài xế đã ngất xỉu, Tổ công tác đã phối hợp với người dân hỗ trợ, sơ cứu. Khi hồi tỉnh, tài xế đã được người thân đưa về nhà. Lúc này Tổ công tác tiếp tục huy động xe chuyên dụng, dùng cưa máy, cắt tỉa cây để giải cứu ô tô bị mắc kẹt. Sau hơn 30 phút, xe ô tô đã được di dời khỏi hiện trường, cây đổ đã được thu gom, giao thông khu vực ổn định.

Nỗ lực ổn định cuộc sống Nhân dân sau bão, lũ

Tổ công tác Đội CSGT số 3 cùng người dân kịp thời đưa lái xe ra ngoài, cưa cắt cây đổ, giải phóng giao thông

Tổ công tác Đội CSGT số 3 cùng người dân kịp thời đưa lái xe ra ngoài, cưa cắt cây đổ, giải phóng giao thông

Chia sẻ với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về công tác ứng trực trống bão, bảo đảm an toàn giao thông, Trung tá Đặng Hồng Giang, Đội trưởng Đội CSGT số 3 cho biết: Thực hiện Phương án bảo đảm TTATGT ứng phó cơn bão số 3, đơn vị đã chủ động phương án theo phương châm "4 tại chỗ" chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, trang thiết bị, áo mưa, ủng, cưa máy, đèn pin, dây thừng, barie, loa pin, biển cảnh báo, xe cẩu kéo để giải quyết các tình huống đột xuất. Ngay từ chiều 6/9, đơn vị đã phối hợp với lực lượng cơ sở thu gom hàng chục cây xanh bị gãy đổ trên địa bàn do bão gây ra.

Chỉ huy Đội CSGT số 3 cũng khuyến cáo khi xảy ra mưa bão lớn người dân nên hạn chế ra đường, chỉ ra đường trong trường hợp có công việc thật sự cần thiết. Trong quá trình bắt buộc phải di chuyển trên đường, không dừng phương tiện trú mưa dưới gốc cây cổ thụ, cột đèn, tường rào để tránh các sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.

Hiện bão đã đi qua nhưng mưa lũ, nước sông Hồng, sông Tích, sông Bùi… đang lên cao, đe doạ an nguy của người dân ven sông. Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chủ động nắm tình hình, phối hợp với cơ quan, đơn vị triển khai các biện pháp ứng phó… tất cả vì bình yên cuộc sống của Nhân dân.

Link bài gốc Copy link
 
Tác giả: Thành Long