• :
  • :

Nhật Bản tiếp tục chi hơn 15 tỷ USD để xoa dịu tác động của lạm phát

(23/03/2023)

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno hôm qua (22/3) cho biết Chính phủ nước này sẽ phân bổ hơn 2.000 tỷ yên (15 tỷ USD) từ quỹ dự trữ trong ngân sách năm tài chính hiện tại sẽ kết thúc vào cuối tháng 3 này để thực hiện các bước đi nhằm giảm bớt tác động kinh tế do lạm phát gia tăng.

Giá tiêu dùng cốt lõi ở Nhật Bản đã tăng mạnh trong tháng 1/2023, chủ yếu do giá lương thực và năng lượng tăng cao. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Theo đó, gói viện trợ bổ sung này sẽ được phân bổ vào các khoản hỗ trợ tiền mặt cho các gia đình có thu nhập thấp và cắt giảm hóa đơn cho các gia đình sử dụng nhiên liệu là khí dầu mỏ hóa lỏng (LP gas), Văn phòng Nội các Nhật Bản tiết lộ.

Được biết, chính phủ có kế hoạch trao khoản trợ cấp trực tiếp một lần bằng tiền mặt trị giá 30.000 yên cho mỗi hộ gia đình có thu nhập thấp và cho các gia đình đang nuôi con nhỏ với số tiền hỗ trợ là 50.000 yên/trẻ.

Liên minh cầm quyền của Đảng Dân chủ Tự do và Komeito đã thúc giục Thủ tướng Fumio Kishida thực hiện các bước đi bổ sung để xoa dịu nỗi đau do lạm phát gia tăng đối với các hộ gia đình trước thềm một loạt cuộc bầu cử địa phương sẽ diễn ra vào mùa xuân này. Quy mô của gói cứu trợ sẽ được chính phủ hoàn thiện với sự tham vấn của các đảng cầm quyền.

“Chúng tôi sẽ vạch ra các bước đi bổ sung và nhanh chóng thực hiện để bảo vệ sinh kế của người dân và doanh nghiệp”, Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno khẳng định trong cuộc họp báo định kỳ ngày 22/3.

Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã giảm hóa đơn tiện ích cho các hộ gia đình, nhắm mục tiêu vào điện và khí đốt được sử dụng phổ biến ở các thành phố, bên cạnh các khoản trợ cấp dành cho các nhà bán buôn dầu để giữ giá xăng và dầu hỏa không tăng mạnh. Đồng thời, các gia đình nuôi con nhỏ có thu nhập thấp cũng nhận được hỗ trợ trong gói cứu trợ trước đó.

Giá tiêu dùng cốt lõi của Nhật Bản trong tháng 1/2023 (không bao gồm các mặt hàng thực phẩm tươi sống) đã tăng 4,2% so với một năm trước đó, đánh dấu tốc độ tăng nhanh nhất kể từ năm 1981, với giá lương thực và năng lượng tăng cao vẫn được xem là nguyên nhân chính. Tuy nhiên, tốc độ này được dự báo sẽ chậm lại khi dữ liệu tháng 2 sẽ được công bố vào ngày 24/4, nhờ các biện pháp hỗ trợ trước đó của chính phủ đã giúp cắt giảm hóa đơn tiền điện và hạn chế chi phí khí đốt tự nhiên. Các hỗ trợ trước đó không được áp dụng cho LP gas, loại nhiên liệu được sử dụng rộng rãi hơn bên ngoài các thành phố lớn của Nhật Bản.

Theo kế hoạch, các thành phố địa phương sẽ sử dụng khoảng 1.200 tỷ yên quỹ do chính quyền trung ương cung cấp để cắt giảm phí LP gas và cung cấp 30.000 yên hỗ trợ cho các gia đình có thu nhập thấp.

Mặc dù tình hình tài chính của Nhật Bản đang ở trong tình trạng khó khăn nghiêm trọng, nhưng chính phủ nước này đã thực hiện nhiều bước để đối phó với đại dịch COVID-19 và lạm phát cao bằng cách khai thác các quỹ dự trữ trong ngân sách được phân bổ để sử dụng trong các tình huống khẩn cấp.

Theo nhận định của ông Takahide Kiuchi, cựu thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), các biện pháp mới nhất này đươc kỳ vọng sẽ giúp giảm 0,3 điểm phần trăm giá tiêu dùng, đồng thời nâng tổng sản phẩm quốc nội danh nghĩa lên 0,09%. Chính phủ trước đây ước tính các biện pháp hiện có sẽ ngăn chặn lạm phát ở mức 1,2 điểm phần trăm.

BOJ dự kiến lạm phát sẽ giảm xuống dưới mục tiêu 2% trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 4 tới và cho biết họ cần tiếp tục nới lỏng tiền tệ để neo lạm phát trên mức mục tiêu. BOJ cũng đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiền lương cần theo kịp giá cả một cách ổn định để đạt được mục tiêu.

 

BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)