Ở nhiều buôn làng vùng cao Kon Tum, hình ảnh những già làng, trưởng bản, người cao tuổi vẫn ngày ngày bền bỉ cùng cộng đồng phát triển kinh tế, làm giàu cho bản làng không còn xa lạ. Họ không chỉ là người lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống, mà còn là “cầu nối” giữa chính quyền và người dân, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Điểm tựa buôn làng
Nằm trên vùng đất còn nhiều khó khăn như huyện Sa Thầy, Đắk Glei, Tu Mơ Rông,… người cao tuổi vẫn là lực lượng được bà con tin tưởng. Điểm tựa lớn nhất của người cao tuổi vùng đồng bào thiểu số không chỉ là tuổi tác, mà là uy tín.
Trong nhiều phong trào của địa phương như xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh bản làng, hay vận động dân hiến đất làm đường, hiếm có nơi nào không cần tiếng nói của các bậc cao niên. Không ít già làng tuy đã bước qua tuổi 70 nhưng vẫn miệt mài đi từng nhà vận động người dân chỉnh trang vườn tược, phát triển kinh tế hộ, xây dựng mô hình chăn nuôi - trồng trọt gắn với tiêu chí nông thôn mới.
![]() |
Ông Trần Xuân Hạ là tấm gương điển hình trong phong trào người cao tuổi thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện Sa Thầy |
Tấm gương điển hình trong phong trào người cao tuổi thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi phải kể đến ông Trần Xuân Hạ (ở thôn 2, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy). Dù đã 70 tuổi nhưng ông Hạ vẫn tích cực lao động sản xuất, đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Sở hữu khu vườn với diện tích trên 1,5ha, ông đã xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp gồm ao thả cá, trồng cà phê và chăn nuôi hươu. Mỗi năm mô hình thu lãi gần 300 triệu đồng. Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông còn vận động bà con trong thôn cùng phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Ông A Dao - Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Sa Thầy - cho biết: Hiện nay, toàn huyện có hơn 2.700 hội viên người cao tuổi sinh hoạt tại 11 cơ sở với 64 chi hội. Hằng năm, hội bám sát chỉ đạo của cấp trên và triển khai tới toàn thể hội viên các phong trào thi đua. Nổi bật là phong trào “Nêu gương sáng trong sản xuất kinh doanh, làm giàu chính đáng, góp phần xóa đói giảm nghèo” được các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên tham gia.
"Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 1.000 hội viên người cao tuổi có điều kiện, khả năng tham gia trực tiếp lao động sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ gia đình, con cháu làm kinh tế. Từ năm 2020 đến nay, toàn huyện có hơn 170 người cao tuổi làm kinh tế giỏi, có mức thu nhập bình quân từ 100 - 500 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, các mô hình sản xuất, kinh doanh của người cao tuổi đã góp phần tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, tăng thu nhập cho gia đình; giúp đỡ hộ nghèo trong dòng họ, thôn, làng về vốn, cây con và hướng dẫn cách trồng cây, chăn nuôi" - ông A Dao chia sẻ.
![]() |
Các mô hình sản xuất, kinh doanh của người cao tuổi góp phần tăng thu nhập cho gia đình, giúp đỡ hộ nghèo trong thôn vươn lên phát triển kinh tế |
Cùng với đó, thời gian qua, người cao tuổi trên địa bàn huyện tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Từ năm 2020 đến nay, các cấp hội đã tuyên truyền, vận động hội viên người cao tuổi đóng góp được trên 30.000m2 đất, 4.000 ngày công và hơn 300 triệu đồng để xây dựng các công trình phúc lợi, trồng hơn 2.000 cây xanh tại các tuyến đường, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn huyện.
Ông A Ginh (85 tuổi, ở thôn Rờ Kơi) - một trong những người cao tuổi tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới ở xã Rờ Kơi - cho hay: "Nhiều năm trước, xã thực hiện làm đường bê tông liên thôn, gia đình tôi hiến 300 m2 đất, hiện nay con đường đã hoàn thành giúp bà con trong thôn đi lại thuận tiện hơn. Ngoài ra, gia đình tôi còn hiến 450 m2 đất và đóng góp kinh phí hàng chục triệu đồng để xây dựng sân thể thao cho thôn".
Góp sức dựng xây nông thôn mới
Khi các chính sách của Nhà nước, đặc biệt là các chương trình về xây dựng nông thôn mới được triển khai, những người cao tuổi chính là “đầu tàu” trong việc tuyên truyền, giải thích, vận động bà con thực hiện.
Tuyên truyền xây dựng nông thôn mới không chỉ dừng lại ở việc thông báo các chính sách, mà còn là quá trình thuyết phục, làm thay đổi nhận thức của người dân về những lợi ích lâu dài mà các chương trình này mang lại. Người cao tuổi ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã làm rất tốt việc này bằng cách tham gia trực tiếp vào các cuộc họp, hội thảo hoặc thậm chí đi từng nhà để giải thích cho người dân về các tiêu chí nông thôn mới.
![]() |
Những người cao tuổi chính là “đầu tàu” trong việc tuyên truyền, giải thích, vận động bà con thực hiện chương trình nông thôn mới |
Điển hình như ở xã Đăk Xú (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), người cao tuổi không chỉ vận động dân cư tham gia các hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, mà còn tổ chức các buổi chia sẻ về việc cải thiện thu nhập từ việc trồng cây nông sản, nuôi gia súc. Nhờ vậy, bà con dần nhận thức được rằng, việc phát triển kinh tế không chỉ dựa vào nguồn tài nguyên tự nhiên mà còn cần sự thay đổi trong cách thức sản xuất và áp dụng khoa học kỹ thuật.
Ông A Sửu, già làng ở xã Đăk Xú, chia sẻ: "Nông thôn mới không phải chỉ xây dựng đường xá, nhà cửa mà còn phải thay đổi cách làm ăn, phát triển kinh tế. Tôi luôn khuyến khích bà con trong bản học hỏi các mô hình sản xuất mới, chú trọng đến việc giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh".
Còn ông A Ninh, người cao tuổi ở xã Đắk Tờ Re, huyện Kon Rẫy - cho biết: “Cách đây vài năm, bà con trong bản không tin vào mô hình trồng sâm dây, nhưng tôi đã thử nghiệm và thành công. Bây giờ, nhiều gia đình trong bản đã học theo và thu nhập từ đó cải thiện rất nhiều".
![]() |
Ông A Ginh là người tích cực trong việc tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi |
Chính những câu chuyện như vậy đã giúp thay đổi nhận thức của bà con về việc phát triển kinh tế, đồng thời thúc đẩy họ tham gia tích cực vào các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, công việc tuyên truyền xây dựng nông thôn mới không phải lúc nào cũng dễ dàng. Người cao tuổi, dù có uy tín, nhưng không phải lúc nào cũng đủ sức khỏe để tiếp cận và giải thích tất cả các chính sách đến mọi người dân. Hơn nữa, một số nơi vẫn còn khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện tiếp cận thông tin, khiến việc tuyên truyền gặp nhiều thách thức.
Chính quyền và các tổ chức xã hội cần tạo điều kiện hỗ trợ cho người cao tuổi trong việc truyền tải thông tin, chẳng hạn như tổ chức các khóa bồi dưỡng kiến thức về nông thôn mới, cách thức triển khai các mô hình sản xuất mới, cũng như đảm bảo các chính sách hỗ trợ người cao tuổi tham gia hoạt động cộng đồng.
Bà Rơ Châm Lan - Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy - cho biết: Chính quyền địa phương đánh giá cao vai trò của người cao tuổi trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Người cao tuổi chính là những nhân tố quan trọng trong việc duy trì và phát huy các giá trị truyền thống trong quá trình phát triển. Người cao tuổi không chỉ là những tấm gương sáng trong cộng đồng mà còn là những người tuyên truyền nhiệt huyết, giúp bà con hiểu rõ hơn về các tiêu chí nông thôn mới và những lợi ích từ việc áp dụng các mô hình phát triển kinh tế bền vững. |