• :
  • :

Ngành công thương Hà Nội: hỗ trợ xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng trái cây an toàn

(09/12/2024)

Cùng với việc cấp biển nhận diện, công tác hỗ trợ xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng trái cây an toàn cũng được ngành công thương Hà Nội đẩy mạnh thời gian qua.

Tăng cường hoạt động kết nối giao thương

Theo báo cáo của Sở Công Thương, trên địa bàn TP. Hà Nội hiện có 1.446 cửa hàng kinh doanh trái cây. Triển khai Đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020-2025” (gọi tắt là Đề án), đến thời điểm này, đã có 84,4% cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn Thành phố đã được cấp đăng ký kinh doanh; 96% cửa hàng đã thực hiện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm; 84,9% cửa hàng có trang thiết bị bảo quản trái cây; 75,2% cửa hàng có trang thiết bị giám sát chất lượng trái cây; 88% cửa hàng có quầy, kệ trưng bày trái cây;…

Ngành Công Thương Hà Nội: Hỗ trợ xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng trái cây an toàn
Hà Nội phấn đấu cấp biển nhận diện trái cây an toàn cho toàn bộ cửa hàng kinh doanh trái cây. (Ảnh: Thanh Hiền)

UBND các quận, huyện, thị xã đã tổ chức hướng dẫn, kiểm tra các điều kiện, cấp biển nhận diện “cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn” cho 1.089 cửa hàng đáp ứng yêu cầu (đạt tỷ lệ 75,3% ); xây dựng, duy trì 191 tuyến phố văn minh không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè.

Cùng với đó, Sở Công Thương tiếp tục triển khai các hoạt động giao thương, kết nối, tiêu thụ thực phẩm, trái cây an toàn cung ứng cho hệ thống phân phối của Hà Nội. Theo đó, Sở Công Thương tổ chức Đoàn công tác khảo sát vùng sản xuất và hỗ trợ quảng bá, kết nối sản phẩm trái cây, nông sản tại tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh để giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm từ mật dừa, trái cây đặc sản vào hệ thống phân phối Hà Nội (chuỗi thực phẩm sạch Sói Biển, Biggreen…); Tổ chức Hội nghị kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tỉnh Lâm Đồng tại Thành phố Hà Nội; Hội nghị trực tuyến kết nối sản phẩm thành phố Cần Thơ tại thị trường Hà Nội,... góp phần giới thiệu, kết nối sản phẩm từ tơ tằm, OCOP Lâm Đồng, Cần Thơ vào hệ thống Winmart, Co.opmart, BigC, Biggreen…

Thường xuyên cung cấp thông tin, giới thiệu danh sách trên 2.200 sản phẩm OCOP Hà Nội và trên 4.000 sản phẩm trái cây, nông sản từ các tỉnh, thành phố đến các doanh nghiệp, siêu thị, Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP… để tổ chức kết nối, tiêu thụ, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị có sản phẩm OCOP trên địa bàn Thủ đô.

Tích cực thông tin các hoạt động giao thương, chương trình, sự kiện, hội chợ do các tỉnh, thành phố tổ chức (Hồ Chí Minh, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lâm Đồng, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Đồng Nai, Cà Mau, Bạc Liêu…) đến các doanh nghiệp, đơn vị Hà Nội nghiên cứu, đăng ký tham gia theo nhu cầu. Phối hợp cung cấp thông tin sản phẩm trái cây, nông sản của các tỉnh, thành phố trên cả nước đến các hệ thống phân phối Hà Nội, góp phần đảm bảo cung - cầu hàng hóa trên địa bàn Thành phố.

Hoàn thành tổ chức các chương trình, sự kiện kết nối tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn trong đó có sản phẩm trái cây trên địa bàn Hà Nội, tiêu biểu như: Hội chợ nông sản thực phẩm an toàn TP. Hà Nội năm 2024 với quy mô 120 gian hàng của khoảng 70 đơn vị tham gia đến từ các tỉnh, thành phố, các quận, huyện thị xã của thành phố Hà Nội, với nhiều chủng loại sản phẩm trái cây, nông sản thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền, các sản phẩm OCOP của các địa phương; Lễ hội an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2024 với quy mô 100 gian hàng của 96 đơn vị tham gia trưng bày các sản phẩm an toàn phục vụ Tết Trung thu trong đó có trái cây; Hội chợ tiêu dùng xanh - Sản phẩm an toàn Hà Nội năm 2024 với 80 doanh nghiệp, đơn vị Hà Nội và 20 tỉnh, thành phố tham dự, trưng bày các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn; 05 Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố và Tuần hàng quảng bá, giới thiệu và bán nông sản thực phẩm tại các kênh phân phối năm 2024,…

Bên cạnh đó, Sở Công Thương tích cực triển khai các hoạt động phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phối hợp với các sở, ngành, đơn vị đẩy mạnh hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu dùng qua các kênh thương mại điện tử; hỗ trợ phát triển hạ tầng, đẩy mạnh phát triển hạ tầng logistics trên địa bàn Thành phố tạo thuận lợi trong hoạt động vận chuyển lưu thông hàng hóa.

Đánh giá công tác tổ chức triển khai thực hiện Đề án, ông Nguyễn Thế Hiệp – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội – cho hay, 11 tháng đầu năm 2024 với sự quan tâm của các cấp, các ngành, qua đó góp phần từng bước kiểm soát chất lượng sản phẩm trái cây lưu thông trên thị trường phục vụ nhân dân Thủ đô.

Công tác tuyên truyền Đề án trái cây cũng được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, qua đó, cơ bản các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn nắm bắt và có ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, các quy định tại Đề án; người tiêu dùng đã có ý thức và quan tâm hơn đến việc lựa chọn tiêu dùng các sản phẩm trái cây an toàn, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tại các cửa hàng kinh doanh trái cây tham gia Đề án được cấp biển nhận diện và các siêu thị, trung tâm thương mại.

Công tác thanh kiểm tra, giám sát đối với hoạt động kinh doanh trái cây trên địa bàn Thành phố được tăng cường, góp phần tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chấp hành tốt các quy định về pháp luật trong kinh doanh trái cây an toàn. Hầu hết các sản phẩm trái cây khi lấy mẫu giám sát cho kết quả cơ bản đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các chỉ tiêu phân tích.

Phần mềm hệ thống quản lý thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc trái cây kinh doanh trên địa bàn Hà Nội tiếp tục duy trì và hoàn thiện, xây dựng cơ sở dữ liệu cho hệ thống tiếp tục thu được hiệu quả.

Sở Công Thương đã phối hợp với Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển tổ chức chương trình tập huấn “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội, công cụ chuyển đổi số trong thương mại điện tử, kết nối cung cầu, bảo vệ người tiêu dùng, và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Thủ đô trong hội nhập kinh tế” thu hút 300 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, HTX, chủ thể OCOP tham dự.

Thông qua chương trình đã phổ biến kiến thức, hỗ trợ người sản xuất, kinh doanh trong đó có sản phẩm trái cây đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng thương mại điện tử, ứng dụng mã hình QR trong truy xuất trực tuyến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa...; hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp cận các sàn giao dịch thương mại điện tử.

“Công tác cấp biển nhận diện được UBND các quận, huyện, thị xã quan tâm triển khai thực hiện, tại các quận và một số huyện đã hoàn thành 100% theo chỉ tiêu đề ra. Công tác triển khai xây dựng tuyến phố không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè được triển khai nhân rộng tạo thói quen cho người kinh doanh thực hiện đúng quy định các của pháp luật trong kinh doanh, góp phần đảm bảo văn minh thương mại, an toàn thực phẩm”, ông Nguyễn Thế Hiệp cho biết.

Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án đạt mục tiêu đề ra trong năm 2025

Nhằm triển khai có hiệu quả Đề án trong năm 2025, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan hoàn tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch triển khai Đề án năm 2025.

Theo đó, UBND Thành phố chỉ đạo các sở ngành đơn vị tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về ATTP và các quy định của pháp luật và Thành phố về quản lý, kinh doanh trái cây.

Thứ hai, thường xuyên rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu các cửa hàng kinh doanh trái cây thuộc đối tượng của Đề án; hướng dẫn, hỗ trợ các cửa hàng hoàn thiện các thủ tục, điều kiện đáp ứng yêu cầu theo quy định; thực hiện cấp biển nhận diện đối với các cửa hàng kinh doanh trái cây đáp ứng các yêu cầu tại Đề án.

Thứ ba, tăng cường công tác giám sát, cảnh báo nguy cơ về chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm trái cây tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội. Đẩy mạnh thanh kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây không thực hiện đúng các quy định nêu tại Đề án; kiên quyết giải tỏa các điểm kinh doanh trái cây tự phát lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nơi công cộng… không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Thứ tư, duy trì thường xuyên công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm/cam kết đảm bảoan toàn thực phẩm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây; cấp biển nhận diện (logo) cho các cửa hàng kinh doanh trái cây đảm bảo điều kiện quy định tại Đề án.

Thứ 5, xây dựng và phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng, mô hình chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ trái cây an toàn. Triển khai các chương trình xúc tiến thương mại để hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Với các giải pháp trọng tâm nêu trên và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành toàn Thành phố, Hà Nội quyết tâm phấn đấu đến hết tháng 12/2025, 100% cửa hàng kinh doanh trái cây thuộc đối tượng của Đề án có đăng ký kinh doanh; 100% người kinh doanh trái cây được đào tạo, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; 100% các cửa hàng kinh doanh trái cây thuộc đối tượng của Đề án được cấp Biển nhận diện “cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn”, có biển hiệu và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện bảo quản trái cây bảo đảm chất lượng, lưu giữ trái cây tươi theo quy định khi đến tay người tiêu dùng.