Chú ý cách bảo quản thực phẩm
Những thực phẩm tươi có thể được trữ lạnh trong 3 - 5 ngày. Vì vậy các bà nội trợ nên mua sẵn các loại thịt lợn, bò, gà sau đó sơ chế và cất tủ đá. Khi cần sử dụng, thịt có thể rã đông và chế biến như bình thường. Các loại rau củ quả cũng nên chọn các loại có thể để được dài ngày.
Thực phẩm tại nhiều siêu thị “cháy hàng” do người dân mua tích trữ trước cơn bão |
Ngoài thịt các bà nội trợ nên mua sẵn từ 3 - 5 loại rau xanh như rau cải, rau muống, rau ngót, bầu, bí để tại nơi khô ráo.
Trong thời tiết mát mẻ của những ngày mưa, các loại rau xanh có thể để ngoài 2 ngày và để trong tủ lạnh tới 4,5 ngày. Các loại củ quả như bầu, bí, khoai tây, cà rốt thì có thể để bên ngoài tới 4,5 ngày.
Để đảm bảo việc chuẩn bị lương thực thực phẩm ứng phó với các diễn biến xấu của cơn bão, người dân nên kiểm tra đầy đủ gạo, muối, nước mắm, nước tương, dầu ăn...
Một số loại đồ khô nên có trong ngày mưa bão bao gồm: cá khô, mỳ ăn liền, các loại đồ hộp như thịt hộp, cá hộp, xúc xích ăn liền, ruốc và các loại bánh mỳ, bánh ngọt, sữa đặc.
Nếu có thông tin về bão to và kéo dài, chúng ta nên chuẩn bị nhiều bánh mỳ, bánh ngọt và sữa đặc phòng trường hợp xấu nhất không thể đun nấu thì bạn vẫn có thực phẩm ăn liền.
Đối với thực phẩm đóng hộp, người dân nên chú ý kiểm tra hạn sử dụng và bố trí chế độ ăn uống hợp lý cho gia đình.
Trước tiên các gia đình nên có biện pháp trữ nước sạch trong bể, thùng, xô chậu... phòng trường hợp bị cắt nước.
Ngoài ra, người dân phải chuẩn bị nhiều nước uống đóng chai, nước quả đóng chai và sữa đóng hộp. Tất cả đều được bảo quản ở nơi khô ráo để khi cần thiết có thể dễ dàng sử dụng; không nên để ở những nơi dễ bị ngập nước trong nhà.
Đối với một người trong một ngày nên có ít nhất 3 lít nước hoặc 45 lít nước cho một gia đình bốn người và tốt hơn hết chúng ta nên dự trữ nước uống trong thời gian ít nhất ba ngày đề phòng những trường hợp khẩn cấp (hãy đề phòng cả trường hợp bạn không thể đun nước uống).
Tủ lạnh giúp kéo dài tuổi thọ của thực phẩm trong một thời gian ngắn nhưng nhiệt độ trong tủ lạnh phải được điều chỉnh ở mức thích hợp. Các nghiên cứu cho biết nếu tủ lạnh quá “ấm áp” sẽ tạo ra một môi trường tuyệt vời cho các loại vi khuẩn độc hại phát triển.
Nhiệt độ tủ lạnh lý tưởng là ở mức dưới 40°F. Ở khoảng nhiệt độ này, các thực phẩm sẽ an toàn hơn khi xử dụng.
Khi bị mất điện, cửa tủ lạnh và tủ đá (freezer) phải được đóng kín hoàn toàn để duy trì nhiệt độ lạnh. Một tủ đá với đầy kín thức ăn, nếu cửa đóng chặt thì sẽ giữ được nhiệt độ lạnh khoảng 48 giờ, trong khi đó nếu tủ chỉ chứa một nửa thực phẩm thì giữ được độ lạnh 24 giờ. Đối với tủ lạnh thì khác, nó chỉ giữ được độ lạnh khoảng 4 giờ sau khi bị mất điện.
Bốn giờ sau khi mất điện, các thực phẩm hư phải được bỏ đi. Mặc dù những thức ăn này không phát ra mùi hôi nhưng vẫn có thể chứa vi khuẩn mang bệnh đến cả gia đình, đặc biệt đối với những người có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, phụ nữ mang thai và người cao tuổi.
Các loại thực phẩm sau đây cần phải bỏ đi: thịt đã nấu chín hoặc còn sống, cá, trứng, sữa và các sản phẩm làm từ sữa. Đồng thời, những thức ăn dư thừa từ những ngày trước đó, như: cá ngừ, cơm, mì ống, rau xà lách, các loại nước dressing… cũng nên đổ đi.
Bão thường đi kèm với lũ lụt và có thể gây ô nhiễm nguồn nước sử dụng. Do đó, người dân cũng cần chuẩn bị nấu nước sôi để nguội uống hoặc uống nước đóng chai trong thời gian này; không ăn những thức ăn có dính nước lụt hoặc thức ăn được lấy ra từ những thùng bị thấm nước lụt.
Các chai nước soda, nước giải khát được đậy bằng các nắp vặn, nắp xoắn, thức ăn đóng hộp… đã tiếp xúc với nước lụt, những thức ăn này không thể khử trùng.
Những loại thực phẩm phù hợp trong mùa mưa bão
Trước những thông tin ảnh hưởng của siêu bão Yagi, chị Nguyễn Thu Hà (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị đã chuẩn bị dự trữ một chút thực phẩm tươi sống và đi chợ từ sáng sớm 6/9, tránh tình trạng thực phẩm sẽ khan hiếm do mưa bão.
Bên cạnh các loại thức ăn chính như tôm, cá, thịt lợn, thịt bò, chị Hà mua nhiều đu đủ, khoai tây, cà rốt, bí xanh, su su… vì các loại củ sẽ bảo quản được lâu hơn rau xanh.
Rau, thịt tại nhiều chợ truyền thống “cháy hàng” do người dân mua, tích trữ trước ngày bão về |
Để dự phòng vấn đề đảm bảo thực phẩm trong mùa mưa bão, người dân nên mua thực phẩm tích trữ để sinh hoạt trong những ngày không thể ra khỏi nhà. Ngoài ra, các bà nội trợ cũng có thể lựa chọn những món ăn dễ chế biến, thuận tiện trong thời gian mưa bão kéo dài.
Để có những bữa cơm ngon nhanh chóng trong mùa mưa bão, người dân nên dự trữ các loại mắm nêm, mắm tôm chua, mắm tép… đóng gói sẵn. Đây là những món ăn kèm có thể bảo quản được nhiều ngày, phù hợp làm món ăn trong mùa mưa bão. Mắm tép chưng thịt vừa đảm bảo dinh dưỡng, chế biến nhanh lại rất “đưa” cơm.
Trứng cũng là loại thực phẩm cần dự trữ trong mùa mưa bão và có thể bảo quản rất lâu từ 15- 20 ngày. Ngoài ra trứng có thể chế biến được nhiều món đa dạng từ trứng như trứng cuộn, ốp la, trứng chưng thịt hay trứng hấp. Món ăn từ trứng rất đảm bảo dinh dưỡng lại dễ ăn, dễ chế biến.
Những món ăn như vừng rang, lạc rang là nhóm thực phẩm khá dễ ăn trong những ngày mưa bão. Nếu gặp khó khăn trong việc kiếm thức ăn tươi sống, bữa cơm gia đình chỉ cần cơm trắng rắc vài thìa muối vừng hoặc ít lạc là có thể đủ no bụng.
Trong các loại hạt này có chứa lượng dinh dưỡng rất dồi dào và phong phú. Hạt vừng, hạt lạc có chứa chất đạm, chất xơ, chất béo, các khoáng chất (Magie, folate, vitamin E, đồng, arginine), chất carbohydrate, đường…