Trong câu chuyện, nhiều người dự tiệc đã giới thiệu về nguồn gốc xuất xứ của các loại sản phẩm đạt chuẩn OCOP của Phú Yên. Câu chuyện kể hấp dẫn, cùng với hương vị đặc trưng của nước mắm, món chả lụa, bò một nắng… đã chinh phục thực khách một cách dễ dàng. Có thực khách ở TP Hồ Chí Minh bảo rằng đã thấy một số sản phẩm OCOP của Phú Yên bán tại thành phố này. Và sau buổi tiệc, có người nhiệt tình đưa bạn bè, người thân đến các điểm trưng bày sản phẩm ở TP Tuy Hòa để mua sản phẩm OCOP về làm quà.
Điều mà chúng tôi cảm thấy rất vui đó là các sản phẩm OCOP của địa phương mình được giới thiệu đến tận bàn ăn, không chỉ những nhà hàng sang trọng ở TP Tuy Hòa, hay các quán ăn nhỏ ở nông thôn trong tỉnh, mà còn vươn ra nhiều tỉnh, thành phố khác, như trà tim sen, cá ngừ đại dương, bò một nắng, nước mắm…
Phú Yên có đồng bằng Tuy Hòa nổi tiếng là vựa lúa của miền Trung, cộng với vùng biển rộng, đã sản sinh ra nhiều sản vật nức tiếng gần xa. Tận dụng lợi thế nông thôn trù phú, ngư trường rộng, nông - ngư dân cần cù lao động, sáng tạo, thời gian qua, các cấp chính quyền và nông dân trong tỉnh đã quyết liệt triển khai chương trình OCOP, với tinh thần sản phẩm của nông dân phải được cả tỉnh, cả nước và thế giới biết đến, tin dùng.
Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh được xếp hạng sao, chủng loại đa dạng, từ các loại thực phẩm, đồ uống, đồ thủ công mỹ nghệ đến sản phẩm du lịch nông thôn… Trong đó, nhóm hàng thực phẩm chiếm số lượng nhiều nhất. Các sản phẩm OCOP có nguyên liệu từ nông và ngư nghiệp, do nông dân, ngư dân, diêm dân, các HTX, doanh nghiệp địa phương làm ra với chất lượng tốt; mang tính đặc trưng văn hóa của từng vùng miền, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.
Tỉnh Phú Yên đang huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP, coi đây là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Bên cạnh phát triển sản phẩm OCOP, tỉnh cũng quan tâm xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu nhằm mở rộng kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài sự vào cuộc của các cấp chính quyền và ngành chức năng, trong thời gian tới các doanh nghiệp và chủ thể OCOP cần chủ động hơn nữa trong việc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm đối tác phân phối sản phẩm; liên kết với các doanh nghiệp du lịch tăng cường quảng bá sản phẩm đến với du khách. Du khách chỉ cần đến sảnh khách sạn là có gian trưng bày, bán sản phẩm OCOP; khi đến khu du lịch, nhà hàng cũng không khó để thưởng thức hay mua sản phẩm OCOP của Phú Yên.
Rõ ràng, sản phẩm OCOP chỉ có thể phát triển, vươn xa khi được tăng thêm giá trị và có cách quảng bá phù hợp. Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp chính quyền tỉnh và chủ thể sản phẩm OCOP, kỳ vọng trong thời gian tới sẽ kích hoạt nhiều hơn sự tham gia của cộng đồng xã hội trong việc quảng bá, để sản phẩm OCOP trở thành “đại sứ” về văn hóa, ẩm thực của tỉnh.
NGUYỄN QUANG