Ảnh minh họa (Ảnh bestprice.vn) |
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có báo cáo số 359/BC-UBND kết quả 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng gửi Thanh tra Chính phủ.
Theo báo cáo, qua thanh tra hành chính, lực lượng chức năng phát hiện sai phạm gần 132 tỷ đồng, trong đó, thu hồi nộp ngân sách Nhà nước hơn 69 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác gần 63 tỷ đồng.
Qua thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, lực lượng chức năng thu hồi gần 5,5 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính hơn 54 tỷ đồng; buộc khắc phục hậu quả, nộp số tiền thu lợi bất chính gần 10 tỷ đồng.
Từ các vụ việc có dấu hiệu tội phạm, 23 vụ việc được chuyển sang cơ quan điều tra. Trong đó, 9 vụ có dấu hiệu tham nhũng (đã xử lý 4 vụ, 5 vụ đang điều tra). Trong kỳ cũng có 23 vụ việc tham nhũng được phát hiện, trong đó, đã xử lý 14 vụ, còn 9 vụ tiếp tục làm rõ.
Trong 5 năm, các cơ quan hành chính đã tiếp nhận 2.348 đơn khiếu nại, tố cáo, qua giải quyết chưa phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng theo quy định.
Kết quả có 2 trường hợp người đứng đầu cơ quan để xảy ra tham nhũng đã bị xem xét, xử lý. Đáng chú ý, có gần 3.000 cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh phải thực hiện chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng.
Hằng năm, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các văn bản để chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh, xây dựng kế hoạch để khắc phục các tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, yêu cầu các doanh nghiệp và tổ chức khu vực ngoài Nhà nước theo dõi chặt chẽ hoạt động của mình, bao gồm việc ban hành và thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ, thực hiện các biện pháp công khai minh bạch, tổ chức rà soát xung đột lợi ích trong các cơ quan, đơn vị...đảm bảo việc thực thi chính sách pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 83 doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước (gồm 8 công ty đại chúng, 25 tổ chức tín dụng và 50 tổ chức xã hội). Các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng; xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ; thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động; kiểm soát xung đột lợi ích.
Việc công khai, minh bạch bảo đảm theo quy định, được thực hiện thông qua cuộc họp, hội nghị người lao động, niêm yết trên trang thông tin điện tử của công ty, tổ chức, đơn vị; hoạt động công khai, được sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của Ban Kiểm soát, kiểm toán nội bộ và kiểm tra theo chuyên đề...