• :
  • :

Không có điểm dừng trong thực hiện an sinh xã hội

(01/03/2024)

Thực hiện an sinh xã hội cho người dân là quá trình không có điểm dừng. Huyện Thạch Thất cần rà soát lại các chương trình, nghị quyết của TP và các chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn, miền núi để có sự liên thông trong thực hiện Chương trình 08-CTr/TU.

Không có điểm dừng trong thực hiện an sinh xã hội
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi làm việc

Đạt 16/27 chỉ tiêu

Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025, toàn huyện Thạch Thất đã đạt 16/27 chỉ tiêu.

Cụ thể, từ khi thực hiện Chương trình đến nay, huyện đã giải quyết việc làm mới cho 17.187 lao động. Đến hết năm 2023, huyện có 93,74% dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) (vượt 0,24% kế hoạch của huyện); 26.686 người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc (vượt 0,2% kế hoạch của huyện); 3.890 người tham gia BHXH tự nguyện (vượt 0,3% kế hoạch của huyện)...

Cùng với đó, công tác giảm nghèo được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đồng bộ các giải pháp, chính sách cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Huyện đã xây 41 nhà, sửa 20 nhà ở xuống cấp chohộ nghèo, cận nghèo với kinh phí 4,6 tỷ đồng. Hiện nay, huyện còn 22 hộ nghèo (tỷ lệ 0,04%); 1.680 hộ cận nghèo (tỷ lệ 2,95%); phấn đấu đến cuối năm 2025 không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo mỗi năm giảm 10%.

Bên cạnh đó, huyện cũng quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đầu tư nâng cao năng lực y tế, chất lượng khám chữa bệnh ở các tuyến, đa dạng hoá các dịch vụ khám chữa bệnh. Có 100% đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT; 100% học sinh khuyết tật, học sinh là đối tượng bảo trợ xã hội được miễn học phí.

Công tác trợ giúp người khuyết tật, các đối tượng yếu thế trong xã hội luôn được các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm, thực hiện kịp thời, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần giúp bản thân họ tự tin, nỗ lực phấn đấu học tập, làm việc để cải thiện cuộc sống, tham gia vào các hoạt động xã hội, hòa nhập cộng đồng.

Không có điểm dừng trong thực hiện an sinh xã hội
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thạch Thất Nguyễn Minh Hồng báo cáo với Đoàn giám sát

Tiến tới xoá hộ nghèo, giảm hộ cận nghèo

Phát biểu tại buổi giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình 08-CTr/TU tại huyện Thạch Thất sáng 1/3, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Chương trình 08-CTr/TU có ý nghĩa quan trọng trong nâng cao an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô.

Hoan nghênh huyện Thạch Thất đã thực hiện một số chỉ tiêu của chương trình đạt kết quả tốt, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đề nghị huyện xây dựng kế hoạch, phân công phân nhiệm từ nay đến cuối nhiệm kỳ để hoàn thành các chỉ tiêu đạt thấp như: Tỷ lệ hộ nghèo, hỏa táng, trạm y tế, trường chuẩn quốc gia...

Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, huyện cần đưa ra các giải pháp cụ thể, thực tế, hiệu quả. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, quán triệt, vận động tới các cấp ủy, chính quyền cơ sở, doanh nghiệp và người dân để nâng cao nhận thức; huy động sự tham gia, vào cuộc của toàn xã hội. Đặc biệt, huyện cần có kế hoạch để giảm, tiến tới xoá hộ nghèo trên địa bàn, giảm tỷ lệ hộ cận nghèo.

“Thực hiện an sinh xã hội cho người dân là quá trình không có điểm dừng, huyện Thạch Thất cần rà soát lại các chương trình, nghị quyết của TP và các chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn, miền núi để có sự liên thông trong thực hiện Chương trình 08-CTr/TU”- đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh thêm.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cũng cho rằng, huyện Thạch Thất có thế mạnh với nhiều làng nghề, cụm công nghiệp nhưng chưa đồng bộ trong bảo bảo vệ môi trường. Vì thế, huyện cần rà soát, có giải pháp căn cơ để thực hiện vấn đề vệ sinh môi trường, nước sạch sinh hoạt; không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế.

Tác giả: Hạnh Nguyên