Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ kiểm tra mô hình phát triển kinh tế ở A Lưới
100% hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số
Xã Đông Sơn hiện có 3 thôn, 404 hộ, với 1.614 nhân khẩu. Toàn Đảng bộ xã có 8 chi bộ trực thuộc, với 134 đảng viên. Qua rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, toàn xã có 301 hộ nghèo (chiếm 74,51%), 60 hộ cận nghèo (chiếm 14,86%); 100% đều là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
“Đông Sơn là xã biên giới giáp với xã Tà Vàng huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào) còn nhiều khó khăn. Thực tế ở Đông Sơn cho thấy, nguy cơ tái nghèo cao; việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của bà con thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Người dân chưa tích cực trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp giữa các ban, ngành trong giảm nghèo với cấp ủy, chính quyền địa phương đôi lúc chưa đồng bộ”, ông Hồ Văn Tôi, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn giải bày.
Dù đã rất cố gắng trong nhiều năm, nhưng đất đai trên địa bàn toàn xã vẫn bạc màu; chua, phèn nặng, tầng đất canh tác mỏng. Từ khi xã vào định cư năm 1992, đã có 3 lần di giãn dân để phòng, tránh chất độc da cam/dioxin (2001, 2003, 2007). Qua mỗi lần di dân đã ảnh hưởng đến công tác phát triển kinh tế - xã hội của xã. Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng lớn đến đời sống và hoạt động kinh tế chung làm cho nhiều lao động bị mất việc, mất nguồn thu nhập...
Nhiều ý kiến của các sở, ngành của tỉnh tại buổi làm việc chỉ rõ, A Lưới có 17 xã nghèo được phân công các đơn vị hỗ trợ để giảm tỷ lệ hộ nghèo; trong đó, có xã Đông Sơn. Tuy nhiên, có đơn vị làm tốt, nhưng có đơn vị phối hợp hỗ trợ chưa tốt, cần phải tính toán lại cách thực hiện. Đông Sơn đã chỉ ra được những khó khăn, thách thức về giảm nghèo, nhưng tư duy về giảm nghèo chưa đảm bảo. Cần suy nghĩ giảm nghèo theo hướng chuẩn nghèo bằng những tiêu chí cụ thể và có sự lựa chọn điểm nhấn để giảm nghèo hiệu quả. Hai mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao hiện nay ở Đông Sơn là trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ và chăn nuôi bò. Đây là điều kiện thuận lợi để tạo thêm công ăn, việc làm cho các hộ nghèo.
Dù đã cung cấp danh sách hộ nghèo toàn xã cho Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ, nhưng khi được hỏi cụ thể một vài trường hợp nghèo, lãnh đạo xã Đông Sơn không trả lời chu đáo. Điều Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ muốn là, tất cả hoàn cảnh của từng hộ nghèo, lãnh đạo xã phải nắm thật cụ thể, thực chất để có giải pháp căn cơ trong công tác lãnh, chỉ đạo giúp đỡ họ thoát nghèo bền vững. Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ, lãnh đạo cấp huyện đến cơ sở phải nắm chắc tình hình và rất cụ thể về giảm nghèo không chung chung.
“Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy A Lưới xác định, Đông Sơn là 1 trong 11 xã phải giảm hộ nghèo xuống còn 25 - 30% từ nay đến năm 2025. Giải pháp đặt ra là, tiếp tục kiên trì tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, tự mình vươn lên trong cuộc sống. Muốn vậy, lãnh đạo từ huyện đến xã phải nắm thật chắc từng hộ gia đình nghèo; phân công từng cán bộ, đảng viên để vừa chỉ đạo, vừa giúp đỡ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Hàng tuần, hàng tháng có sự rà soát cách làm, cách tổ chức thực hiện của từng tập thể, cá nhân trong việc giảm nghèo bền vững”, ông Huỳnh Công Quảng, Bí thư Huyện ủy A Lưới khẳng định.
“Sợ nhất là trông chờ, ỷ lại”
Đảng bộ tỉnh đặt mục tiêu, cuối năm 2025, hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 2.0 – 2.2%; trong đó, có sự đóng góp của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện A Lưới nói chung và Đông Sơn nói riêng. Để đạt mục tiêu này, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ kỳ vọng, với đất đai rộng lớn như Đông Sơn, người dân cần tích cực tăng gia sản xuất, chăn nuôi bò đàn… nâng cao mức sống, kéo giảm hộ nghèo.
Trồng hoa ly cho thu nhập cao ở A Lưới
Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới là mục tiêu xuyên suốt của không chỉ A Lưới, Đông Sơn mà cả Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân toàn tỉnh. Cán bộ từ huyện đến xã phải chịu khó đi thực tế để xem việc triển khai nghị quyết của Đảng ở cơ sở như thế nào. Từ đó, có sự điều chỉnh, khắc phục tồn tại, hạn chế, sớm đưa các nghị quyết của Đảng, của Tỉnh ủy, Huyện ủy A Lưới, Đảng ủy xã Đông Sơn đi vào cuộc sống.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ lo lắng, A Lưới, Nam Đông, TP. Huế là 3 địa phương có số hộ nghèo cao nhất tỉnh, cần phải sớm tập trung các giải pháp để giảm tỷ lệ hộ nghèo. Trong đó, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu đóng vai trò rất quan trọng. Muốn vậy, đầu tiên cần nâng cao nhận thức giảm nghèo của cán bộ, đảng viên, rồi mới đến người dân, sợ nhất là trông chờ, ỷ lại.
Hy vọng, với những mục tiêu rất cụ thể, làm sao để huyện A Lưới và xã Đông Sơn hộ nghèo giảm xuống hàng năm; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025; đưa cả tỉnh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Bài, ảnh: Phong Anh