Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng các đại biểu bấm nút khai trương |
Cùng dự Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Phát biểu tại lễ khai trương, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, thực hiện chủ trương của UBND thành phố, Sở đã phối hợp với 3 đơn vị đề xuất tham gia thí điểm (Liên minh VPBANK - ASIM; Công ty cổ phần Công nghệ UNIT và Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS); Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ Vietsens) và các đơn vị cung cấp dịch vụ buýt triển khai các công việc để thực hiện thí điểm.
Cụ thể gồm: Lựa chọn, xác định 23 tuyến buýt thường và 1 tuyến buýt nhanh BRT tham gia thí điểm; lắp đặt hệ thống kiểm soát vé trên xe buýt; phần mềm tổng hợp dữ liệu thanh toán; hướng dẫn đào tạo khai thác sử dụng cho các chủ thể liên quan; vận hành khai thác thử hệ thống và các tính năng tích hợp liên thông; sản xuất thẻ vé điện tử.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường phát biểu tại lễ khai trương |
Đến nay, 13 tuyến buýt thường và 1 tuyến buýt nhanh BRT đã đủ điều kiện để chính thức đưa vào khai thác vận hành thí điểm trong thời gian từ 6-9 tháng theo chủ trương đã được chấp thuận.
Đối với 10 tuyến buýt còn lại (do Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ Vietsens đề xuất thí điểm) đã cơ bản hoàn thành các công việc chính, đang hoàn tất giải pháp liên quan đến bảo đảm kết nối thẻ vé với hệ thống phần mềm tổng hợp dữ liệu thanh toán để có thể tiếp tục đưa vào khai thác vận hành thí điểm thời gian tới.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải, mạng lưới vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố đang có 154 tuyến buýt, 1 tuyến đường sắt đô thị (tuyến số 2A Cát Linh - Hà Đông). Dự kiến cuối năm 2024 sẽ tiếp tục đưa vào khai thác vận hành đoạn trên cao (8,5km) của tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn - Ga Hà Nội.
Hiện nay, việc khai thác chủ yếu thực hiện thông qua việc sử dụng vé giấy, thanh toán thủ công bằng tiền mặt. Các tuyến đường sắt đô thị đã và đang triển khai mặc dù có hệ thống thẻ vé điện tử nhưng chưa bảo đảm tính liên thông. Điều này gây khó khăn rất lớn trong việc tính toán, phân bổ sản lượng, doanh thu; chưa đa dạng được hình thức thanh toán, không bảo đảm tính liên thông và hạn chế khả năng tiếp cận của người dân.
Những hành khách đầu tiên trải nghiệm dịch vụ thẻ vé điện tử trên xe buýt |
Do đó, việc sớm triển khai triển khai hệ thống vé điện tử liên thông cho mạng lưới vận tải hành khách giao thông công cộng bằng xe buýt và đường sắt đô thị trên thành phố Hà Nội là rất cần thiết nhằm giải quyết được kịp thời các tồn tại, bất cập hiện nay.
Đồng thời là cơ sở để thành phố triển khai các chính sách giá vé có tính ưu việt, hỗ trợ nhiều hơn cho hành khách trong tương lai, từ đó thu hút, gia tăng sản lượng hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng bằng xe buýt; đa dạng, tiện lợi hình thức thanh toán, tiết giảm kinh phí ngân sách nhà nước.
Thông qua hệ thống thu vé điện tử, cơ quan quản lý nhà nước có được cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ cho công tác hoạch định chính sách, điều hành, quản lý hệ thống xe buýt trên địa bàn thành phố một cách hiệu quả và nhanh chóng.