Toạ đàm có sự tham gia của: Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường; TS Lại Văn Mạnh, Trưởng Ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Học viện Asala.
Các khách mời tham dự chia sẻ tại toạ đàm "Bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp và khu kinh tế trọng điểm” |
Các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm thời gian qua không chỉ thu hút được một lượng vốn đầu tư lớn bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi không gian phát triển, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết ngành, mà còn góp phần đáng kể giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm đã bộc lộ những hạn chế cần được khắc phục, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường.
Trước yêu cầu phát triển xanh, hướng tới mục tiêu cân bằng carbon vào năm 2050, xanh hóa các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm có ý nghĩa rất quan trọng và còn nhiều việc cần phải làm. Với ý nghĩa thiết thực hướng nâng cao nhận thức vai trò của các doanh nghiệp ở các khu vực này trong việc bảo vệ môi trường, tại toạ đàm các chuyên gia và nhà quản lý trong lĩnh vực này đã trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ những mô hình quản lý tiên tiến, đồng thời đưa ra các giải pháp công nghệ mới trong xử lý chất thải và bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm xanh, bền vững cho tương lai.
Tạo sức mạnh trong bảo vệ môi trường
Đánh giá cao về vai trò của các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm đối với sự phát triển đất nước trong những năm qua, TS Lại Văn Mạnh, Trưởng Ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết muốn phát triển bền vững các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm phải gắn với phát triển bao trùm trên cả 3 trụ cột: Phát triển bền vững kinh tế; phát triển bền vững xã hội, văn hoá và con người; phát triển bền vững môi trường.
TS Lại Văn Mạnh, Trưởng Ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường |
TS Lại Văn Mạnh cũng đã có những chia sẻ về những chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đối với khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm tại toạ đàm. “Những văn bản định hướng của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc các kỳ, Nghị quyết về công nghiệp hoá, hiện đại hoá đều lòng ghép mục tiêu bảo vệ môi trường trong đinh hướng phát triển. Dưới góc độ pháp luật, cũng đã có những quy định riêng về bảo vệ môi trường. Đặc biệt Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) bắt đầu được thực thi với nhiều điểm mới mang tính đột phá, đề cao vai trò của các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm đối với hoạt động bảo vệ môi trường”.
Đồng thời, TS Lại Văn Mạnh cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến sự vi phạm những quy định về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm xuất phát từ ý thức, trách nghiệm, nhận thức, kiến thức, kỹ năng của cộng động doanh nghiệp; hạn chế về công nghệ, tài chính để giải quyết vấn đề môi trường".
Kiến tạo khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm xanh
Nhận định việc bảo vệ môi trường của doanh nghiệp ở khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm là nhu cầu cấp bách hiện nay, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng cần có sự chung tay của các cấp chính quyền và toàn xã hội để định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư, áp dụng các công nghệ sản xuất sạch, hiện đại. Phát huy được vai trò của các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường chính là giải pháp then chốt nhằm giải quyết các áp lực về môi trường hiện nay.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Ông Nguyễn Việt Dũng cho biết hiện nay, các doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm đã tích cực triển khai nhiều biện pháp bảo vệ môi trường. Từ việc xử lý nước thải, chất thải rắn, cho đến trồng cây xanh, tạo không gian xanh tại nơi làm việc, đưa ra những sáng kiến tiết kiệm năng lượng. Những mô hình này góp phần bảo vệ môi trường giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp thông qua giảm sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu giảm, các chi phí liên quan đến pháp lý bảo vệ môi trường, khắc phục sự cố môi trường, tạo ra không gian làm việc hiệu quả cho người lao động.
Trong thời gian qua, Trung tâm Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những giải pháp truyền thông, tuyên truyền để các doanh nghiệp ở khu kinh tế trọng điểm và khu công nghiệp hiểu rõ trách nhiêm của mình trong việc bảo vệ môi trường; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư, áp dụng các công nghệ sản xuất sạch, hiện đại, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân viên, công nhân đối với công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. “Đầu tư cho bảo vệ môi trường chính là động lực cho các doanh nghiệp vững bước tiến vào kỷ nguyên mới”, ông Nguyễn Việt Dũng chia sẻ thêm.
Thay đổi tư duy và nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Học viện Asala chia sẻ sự chuyển dịch từ quản lý xử lý hậu quả sang tư duy phòng ngừa thông qua các chính sách như phát triển khu công nghiệp xanh đã khuyến khích đầu tư vào công nghệ sạch, và tăng cường các quy định về quản lý chất thải. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan.
Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Học viện Asala |
Điều này đòi hỏi không chỉ cam kết mà còn hành động cụ thể từ phía doanh nghiệp trong việc áp dụng các quy trình sản xuất tinh gọn; sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường; triển khai các sáng kiến tiết kiệm năng lượng. Những giải pháp này không chỉ bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích lâu dài, nâng cao uy tín và giá trị của doanh nghiệp trên thị trường toàn cầu.
Ông Nguyễn Quang Huy cũng bày tỏ nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng hệ thống xử lý nước thải hiện đại, phân loại và tái chế chất thải rắn, cũng như phát triển không gian xanh tại nơi làm việc; tích rà soát và tối ưu hóa quy trình sản xuất; cắt giảm các công đoạn không cần thiết nhằm giảm tiêu hao nguyên vật liệu; chú trọng sử dụng các vật liệu thay thế thân thiện với môi trường, tái chế bán thành phẩm, thành phẩm lỗi; xây dựng các quy định về phân loại và tái chế rác thải để biến rác thành tài nguyên.
Những sáng kiến và chia sẻ từ toạ đàm được kỳ vọng sẽ sớm được triển khai thực tế, góp phần kiến tạo khu công nghiệp và khu kinh tế trọng điểm xanh |
Theo ông Nguyễn Quang Huy, doanh nghiệp cần chủ động, sáng tạo trong việc ứng dụng công nghệ, tận dụng các nguồn lực sẵn có để chuyển thách thức thành cơ hội, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển dài hạn. “Việc cân bằng giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm mà còn là chiến lược sống còn của doanh nghiệp trong thời gian hiện nay. Một doanh nghiệp bền vững là doanh nghiệp không đánh đổi lợi ích kinh tế bằng sự suy giảm môi trường sống của chính mình và cộng đồng”, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Học viện Asala nhấn mạnh.