Cua biển mắc kẹt trong rác thải nhựa ở đảo Passage, Philippines. Ảnh minh họa: Greenpeace/EPA/baotainguyenmoitruong
Ô nhiễm nhựa đại dương là một vấn đề dai dẳng trên toàn cầu. Động vật có thể bị vướng vào những mảnh nhựa lớn hơn như lưới đánh cá, hoặc ăn phải vi nhựa, cuối cùng sẽ xâm nhập vào chuỗi thức ăn mà con người tiêu thụ.
Đáng chú ý, nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Plos One ước tính có khoảng 170 nghìn tỷ hạt nhựa, chủ yếu là hạt vi nhựa trên bề mặt của các đại dương trên thế giới ngày nay, phần lớn trong số đó đã được thải ra kể từ năm 2005.
Nghiên cứu nói trên cho hay: “Ô nhiễm nhựa ở các đại dương trên thế giới trong 15 năm qua đã chạm đến mức chưa từng có”. Số lượng này cao hơn so với các ước tính trước đây, và tỷ lệ nhựa xâm nhập vào các đại dương có thể tăng gấp nhiều lần trong những thập kỷ tới, nếu không được kiểm soát.
Được biết, các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu nhựa từ hơn 11.000 trạm trên khắp thế giới, tập trung vào khoảng thời gian 40 năm trong giai đoạn 1979 - 2019.
Qua đó, tác giả Lisa Erdle nhấn mạnh: “Chúng tôi nhận thấy sự gia tăng thực sự nhanh chóng kể từ năm 2005”. Các nguồn gây ô nhiễm nhựa trong đại dương là rất nhiều.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cho biết thêm, tổng khối lượng ô nhiễm nhựa được phát hiện trên đại dương hiện nay được ước tính khoảng 2,3 triệu tấn. Nghiên cứu đã kiểm tra các mẫu nhựa từ những đại dương bao gồm Bắc Đại Tây Dương, Nam Đại Tây Dương, Bắc Thái Bình Dương, Nam Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải.
Với những xu hướng hiện tại, việc sử dụng nhựa sẽ tăng gần gấp đôi từ năm 2019 trên khắp các quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào năm 2050, chạm ngưỡng 451 triệu tấn mỗi năm, theo một báo cáo liên quan do Economist Impact và The Nippon Foundation đồng sản xuất.
Hồi năm 1950, chỉ có 2 triệu tấn nhựa đã được sản xuất trên toàn thế giới.
Trong khi đó, đối với hoạt động tái chế, ngay cả ở các quốc gia có hệ thống quản lý chất thải tiên tiến, đã giúp ích rất ít cho vấn đề ô nhiễm này, bởi chỉ có một tỷ lệ nhỏ nhựa được tái chế đúng cách; và thay vào đó, phần lớn nhựa thường được kết thúc ở các bãi chôn lấp.
Nếu các bãi chôn lấp không được quản lý đúng cách, rác thải nhựa có thể xâm nhập vào môi trường, và cuối cùng tìm đường đến các đại dương.
Cũng theo nghiên cứu nói trên, tỷ lệ rác thải nhựa đã được ghi nhận giảm ở một số thời điểm trong giai đoạn 1990 - 2005, một phần là do đã có một số chính sách hiệu quả được áp dụng nhằm kiểm soát ô nhiễm. Một trong số đó là hiệp ước Marpol năm 1988, một thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý giữa 154 quốc gia nhằm chấm dứt việc thải nhựa từ các đội tàu hải quân, đánh cá và vận tải.
Mặc dù vậy, với khối lượng nhựa lớn hơn rất nhiều được sản xuất ngày nay, các tác giả của nghiên cứu cho rằng, cần có một hiệp ước mới, trên phạm vi rộng để không chỉ giảm sản xuất và sử dụng nhựa, mà còn quản lý tốt hơn việc thải nhựa.
Trong một động thái liên quan vào năm 2022, 175 quốc gia đã nhất trí chấm dứt ô nhiễm nhựa, theo một thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý của Liên Hiệp Quốc (LHQ), thỏa thuận này có thể sẽ được hoàn tất ngay trong năm 2024.
Lê Thảo (Lược dịch từ AFP & The Straits Times)