Gia tăng thêm vốn kiến thức lịch sử
Hà Nội đang chuyển mình thành một đô thị thông minh và hiện đại thông qua việc áp dụng công nghệ số vào quản lý và điều hành. Thành phố đã triển khai các hệ thống giao thông thông minh, y tế trực tuyến, và giáo dục số, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Hạ tầng kỹ thuật số được đầu tư mạnh mẽ với mạng internet tốc độ cao và các dịch vụ công trực tuyến. Hà Nội cũng chú trọng đào tạo kỹ năng số cho cộng đồng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và hiện đại hóa đô thị.
Mới đây, đại diện lãnh đạo Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội cho biết, đơn vị này vừa kiến nghị UBND thành phố thí điểm sắp xếp, chỉnh trang hệ thống biển báo giao thông, biển tên phố, gắn mã QR Code (Quick Response Code - mã QR) trên một số tuyến phố thuộc khu phố cổ, hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Đây là nỗ lực nhằm cung cấp cho người dân và du khách những thông tin hữu ích một cách nhanh chóng và tiện lợi.
Theo đó, Sở đề xuất thành phố cho phép gắn mã QR trên các tuyến đường thuộc quận Hoàn Kiếm ở 139 cột, trong đó, có 69 cột trên 15 tuyến phố thuộc khu vực phố cổ - trong không gian đi bộ; 70 cột trên 16 tuyến phố thuộc khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
Các mã QR sẽ được tích hợp cơ sở dữ liệu về tên đường, tiểu sử các danh nhân văn hóa được đặt tên đường, các địa danh trên địa bàn, hiển thị vị trí địa lý, lý trình, chiều dài…
Các tuyến đường thuộc khu phố cổ Hà Nội, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận sẽ được ưu tiên thí điểm việc gắn mã QR Code |
Việc lắp đặt mã QR tên đường đã tạo thêm điểm nhấn du lịch, phù hợp trong xu hướng sử dụng công nghệ thông tin, chủ trương chuyển đổi số và các ứng dụng mở để quảng bá du lịch, xây dựng quận Hoàn Kiếm thành đô thị văn minh, hiện đại, trọng điểm du lịch...
Đây còn là cách học lịch sử mới lạ, mang lại hứng thú cho học sinh, sinh viên, các bài học, giá trị lịch sử được tích hợp thông qua việc quét mã QR giúp học sinh dễ dàng cập nhật, gia tăng thêm vốn kiến thức lịch sử.
Chị Trịnh Quỳnh Hoa (Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: Việc triển khai gắn mã QR tại các tuyến đường sẽ giúp người dân, du khách hiểu hơn về ý nghĩa của tên các tuyến đường, các địa danh trên địa bàn, hiển thị vị trí địa lý, lý trình, chiều dài của tuyến đường.
“Thông qua việc gắn mã QR sẽ bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất thông tin, góp phần thuận lợi hơn trong việc lưu giữ cũng như quảng bá các giá trị văn hóa của địa phương ở Thủ đô. Tuy nhiên, hoạt động này cần được đẩy mạnh hơn nữa để không những góp phần lưu trữ những tư liệu, hình ảnh quý, xây dựng được hệ thống dữ liệu chung của các con đường, tuyến phố, địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố Hà Nội, mà còn giúp người dân trong và ngoài nước hiểu biết, thêm yêu văn hóa truyền thống của Thủ đô Hà Nội”, chị Quỳnh Hoa nhấn mạnh.
Tạo thêm điểm nhấn để phát triển du lịch
Cách đây khoảng 10 năm, Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong "biến" các biển tên đường phố thành phương tiện chuyển tải lịch sử. Hàng chục tuyến phố thay vì chỉ có biển tên thông thường đã được thêm những dòng chú thích cụ thể.
Các tuyến phố của Việt Nam có đặc điểm là thường lấy tên danh nhân, tên địa danh nổi tiếng, tên vùng đất cổ… Những thông tin về nhân vật, địa danh được chú giải một cách ngắn gọn giúp người dân hiểu thêm về nhân vật, địa danh lịch sử, ý nghĩa của việc đặt tên đường.
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ thực hiện chuyển đổi số, phát triển Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại |
Số hóa tên đường phố không chỉ đơn thuần thực hiện chức năng "giáo dục lịch sử" mà còn cung cấp nhiều thông tin hữu ích khác, nhất là phục vụ cho phát triển du lịch. Hiện một số địa phương đã tích hợp thông tin du lịch như nhà hàng, khách sạn, địa chỉ vui chơi giải trí, định vị trên bản đồ để cung cấp cho mọi người. Như vậy, khách du lịch sẽ dễ dàng tra cứu những thông tin cần thiết để phục vụ cho các nhu cầu tham quan, ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí… tại khu vực mình di chuyển.
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp, hướng dẫn UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục rà soát, điều chỉnh phạm vi, nội dung sắp xếp, chỉnh trang hệ thống biển báo giao thông, biển tên phố, gắn mã QR tên phố trên các tuyến phố thuộc khu phố cổ Hà Nội, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, để bảo đảm phù hợp các quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định.
Viện Phát triển và Quản lý quốc tế (IMD) phối hợp Tổ chức Thành phố thông minh bền vững thế giới (WeGO) tháng 4/2024 đã công bố bảng xếp hạng các thành phố thông minh hàng đầu thế giới năm 2024. Việt Nam có 2 thành phố là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh góp mặt trong bảng xếp hạng, trong đó Hà Nội đứng ở vị trí thứ 97 (tăng 3 bậc so với năm 2023) và TP. Hồ Chí Minh xếp ở vị trí thứ 105. Trong đó, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ thực hiện chuyển đổi số, phát triển Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội sẽ trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới. |