• :
  • :

Để sản phẩm công nghệ cao Thủ đô có chỗ đứng bền vững...

(04/07/2024)

Thị trường không minh bạch, nhiều sản phẩm nhập khẩu nhưng gắn nhãn mác Việt Nam khiến người tiêu dùng nhầm lẫn, doanh nghiệp gặp khó khăn. Đó là những khó khăn hiện hữu khiến người làm sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao không ít lần “nản lòng”.

Sự nỗ lực bền bỉ của thương hiệu “Nấm vì dân”

Bỏ công việc phiên dịch viên tiếng Nhật với nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển, nhiều năm nay, chị Dương Thị Thu Huệ miệt mài, bền bỉ phát triển sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao - nấm kim châm trên mảnh đất quê hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội).

Với quy mô nhà xưởng ở xã Đốc Tín hơn 3.000m2, chị tạo việc làm cho hơn 30 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân 5 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Để sản phẩm công nghệ cao Thủ đô có chỗ đứng bền vững...

Thu hoạch nấm kim châm tại nhà máy nấm Kinoko Long Khánh

Điều đặc biệt hơn, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao của chị là đơn vị duy nhất được thành phố Hà Nội công nhận là mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Chia sẻ về lý do phát triển mô hình trồng nấm kim châm tại địa phương, chị Huệ cho biết: “Là đất nước đi lên từ nông nghiệp, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Thời điểm tôi bắt đầu, nấm chưa phải là thực phẩm phổ biến ở nước ta nhưng là sản phẩm an toàn, dinh dưỡng được thế giới ưa chuộng. Làm nấm ở Việt Nam vừa hay lại tận dụng được phế thải của ngành nông nghiệp, giúp bảo vệ môi trường”.

Tận dụng phế thải trong sản xuất như mùn cưa, chị Huệ bắt đầu phát triển mô hình trồng nấm theo công nghệ Nhật Bản trên diện tích nhà xưởng 3.000 mét vuông ở xã Đốc Tín.

Chị cho biết, mỗi ngày thu 6 tấn nấm thành phẩm thì cũng đưa ra 6 tấn bã nấm làm phân bón hữu cơ cho nông nghiệp.

Không chỉ phát triển nhà xưởng ở Hà Nội, mới đây, cơ sở sản xuất nấm Kinoko Long Khánh - Đồng Nai của chị vừa ra đời. Kinoko Long Khánh là thành viên của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao - một trong những doanh nghiệp tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và trở thành đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và cung cấp các loại nấm đạt tiêu chuẩn HACCP tại Việt Nam.

Để sản phẩm công nghệ cao Thủ đô có chỗ đứng bền vững...

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao trở thành đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và cung cấp các loại nấm đạt tiêu chuẩn HACCP tại Việt Nam

Với phương châm "Nấm vì dân", Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Long Khánh đã không ngừng nỗ lực để mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm nấm tươi ngon, an toàn và bổ dưỡng.

Công ty sản xuất đa dạng các loại nấm như: Nấm kim châm, nấm hương, nấm bào ngư và nhiều loại nấm khác.

Chị Huệ cho biết: “Nấm Kim châm Kinoko Long Khánh được sản xuất tại nhà máy có địa chỉ: Ấp Bầu Cối, xã Bảo Quang, TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Do đó thời gian vận chuyển từ nhà máy tới hệ thống các siêu thị tại khu vực phía Nam chỉ trong 3h đến 5h, ngắn hơn rất nhiều so với nguồn nấm nhập khẩu (từ 7 đến 10 ngày)”.

Bên cạnh đó, sản phẩm được sản xuất theo quy trình công nghệ hiện đại, tiên tiến. 100% máy móc thiết bị, nắp, lọ nhựa, rổ nhựa, giấy cuốn cổ và giống nấm được nhập khẩu từ phía Nhật Bản.

Công tác lựa chọn nguyên vật liệu đầu vào (cám gạo, cám ngô, khô đậu, cám mỳ, bã củ cải đường Hy Lạp, …) được phía công ty kiểm soát chất lượng chặt chẽ, không có chứa hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt sản phẩm nấm thành phẩm của công ty không sử dụng chất bảo quản và chất tăng trưởng; do đó hàm lượng chất dinh dưỡng nhiều hơn, hàm lượng nước trong nấm ít hơn, vị của sợi nấm thơm và ngọt hơn.

“Cũng vì lý do đó, các sản phẩm nấm của Kinoko Long Khánh sẽ có thời gian bảo quản ngắn hơn so với các loại nấm khác đang được bày bán trên thị trường. Theo khuyến nghị của nhà sản xuất, nhiệt độ bảo quản tốt nhất từ 3-5 độ C và thời gian bảo quản tối đa là 30 ngày để giữ được chất lượng tốt nhất của nấm khi sử dụng”, chị Huệ cho biết.

Để sản phẩm công nghệ cao Thủ đô có chỗ đứng bền vững...

Công nhân thu hoạch nấm

Đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt

Không chọn kênh bán lẻ, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao chọn hướng đi bền vững là kênh siêu thị Winmart, Bách hoá Xanh với chuỗi cửa hàng có mặt trên toàn quốc.

Khách hàng có thể dễ dàng mua được các loại nấm chất lượng cao được sản xuất theo tiêu chuẩn Nhật Bản ngay tại Việt Nam trên các cửa hàng Bách Hóa Xanh, chuỗi cửa hàng siêu thị Winmart... Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn đảm bảo an toàn sức khỏe cho gia đình với những bữa ăn bổ dưỡng và an toàn.

Để cho ra sản phẩm nấm an toàn, vì sức khoẻ là sự đầu tư công phu, tốn kém cả về vật chất và tinh thần với biết bao tâm huyết. Thế nhưng, theo chị Dương Thị Thu Huệ, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Thủ đô phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường.

Chị Huệ cho biết: “Nhiều sản phẩm nấm nhập khẩu không rõ nguồn gốc nhưng về nước lại gắn nhãn mác Việt Nam, đánh lừa người tiêu dùng với giá rẻ khiến sản phẩm công nghệ cao của Thủ đô gặp khó khăn khi tiêu thụ”.

Theo chị Huệ, mức sản xuất 12 tấn nấm kim châm/ngày chỉ đáp ứng 1/10 thị trường tiêu thụ. Điều đó có thể thấy những mặt hàng không rõ nguồn gốc đang chiếm lĩnh thị trường kinh khủng như thế nào.

Trong khi đó, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp khuyến khích các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, tạo nguồn lực phát triển nền nông nghiệp đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại.

Để sản phẩm công nghệ cao Thủ đô có chỗ đứng bền vững...

Nấm sạch từ tâm được đóng gói theo quy trình hiện đại

Những cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chính sách ưu đãi các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ cao bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Thành phố đã xây dựng được 120 mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Tính đến hết năm 2023, tỷ trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của toàn thành phố đã đạt trên 30%. Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội tuy quy mô còn nhỏ, nhưng cho năng suất cao hơn phương thức sản xuất truyền thống từ 10 - 12%. Nhờ đó, giá trị kinh tế gia tăng từ 25 - 30%.

Để triển khai có hiệu quả việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, Hà Nội sẽ thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô phát triển toàn diện theo hướng sinh thái, hiện đại, sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua đó, góp phần thực hiện thành công cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 70% tổng sản phẩm nông nghiệp toàn thành phố. Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh việc tiếp cận và làm chủ một số công nghệ cao để có thể ứng dụng vào điều kiện cụ thể của Hà Nội trong sản xuất giống, canh tác và sơ chế sản phẩm nông nghiệp, ứng dụng trong điều hành, quản lý sản xuất theo chuỗi giá trị; Hỗ trợ, duy trì và phát triển các điểm mô hình ứng dụng nghệ cao trong nông nghiệp nhằm tạo tiền để thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng để sản xuất các sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao.

Link bài gốc Copy link