Không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm, lòng biết ơn
Đến hẹn, cứ mỗi tháng 7 hằng năm, các đoàn công tác của TP Hà Nội lại bắt đầu hành trình về nguồn tới các địa phương – nơi ghi dấu tích chiến tranh của cả nước để dâng hương, tưởng niệm Anh hùng, liệt sĩ, thăm tặng quà những người có công với đất nước.
Vượt chặng đường dài từ Hà Nội đến mảnh đất thiêng Quảng Trị, tại các địa danh lịch sử như Di tích Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9, Đoàn đại biểu TP Hà Nội đã đến viếng, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ những cống hiến, hy sinh vì nền độc lập dân tộc.
Trên dòng sông Thạch Hãn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong và các thành viên đoàn công tác đã thực hiện nghi lễ thả hoa, gửi những lời tri ân, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Mảnh đất này đã đi vào huyền thoại gắn liền với sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ và thị xã Quảng Trị mùa hè năm 1972.
Đoàn đại biểu TP Hà Nội do đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy làm Trưởng đoàn dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn |
Được biết, ttrong tháng “đền ơn, đáp nghĩa”, TP Hà Nội đã trích 18 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP thực hiện nhiệm vụ hợp tác, liên kết với tỉnh bạn năm 2024 để hỗ trợ tỉnh Quảng Trị. Trong đó, 3 tỷ đồng thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; 15 tỷ đồng để xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng.
Trong khuôn khổ chuyến công tác và làm việc tại tỉnh Quảng Trị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong và các thành viên đoàn công tác đã trao biển tượng trưng tặng các khoản kinh phí hỗ trợ; đồng thời, trao 70 suất quà tặng người có công (mỗi suất tương đương 6 triệu đồng) và 100 suất quà dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt của tỉnh Quảng Trị, mỗi suất 1,5 triệu đồng.
Cũng dịp này hằng năm, TP Hà Nội tổ chức các đoàn công tác thực hiện công tác thăm hỏi, tặng quà đối với các gia đình người có công và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại các địa phương.
Bí thư Thành uỷ Bùi Thị Minh Hoài thăm Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số II Hà Nội |
Thăm, tặng quà tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số II Hà Nội (xã Viên An, huyện Ứng Hòa), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài cho biết: Đảng bộ, chính quyền, MTTQ TP và Nhân dân Thủ đô luôn coi đây không chỉ là nhiệm vụ cao quý, là trách nhiệm thiêng liêng của Nhà nước và toàn xã hội, mà còn là tình cảm sâu sắc và chân thành của mỗi một người dân đối với những cống hiến, hy sinh vô giá, không gì có thể bù đắp được của các chiến sĩ cùng gia đình và những người có công với cách mạng.
Đến nay, TP đã vận động quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đạt hơn 30 tỷ đồng. Trong đó, TP đã tặng 1.621 sổ tiết kiệm cho các đối tượng hưởng chính sách người có công; tu sửa, nâng cấp 40 công trình tưởng niệm, ghi công liệt sĩ; vận động xã hội hóa tu sửa, nâng cấp 153 nhà ở cho người có công với cách mạng; 100% các Mẹ Việt Nam Anh hùng được các cơ quan, đoàn thể TP chăm lo, phụng dưỡng; hàng nghìn thương binh, bệnh binh và thân nhân người có công được tổ chức khám, tư vấn sức khỏe miễn phí.
Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, TP đã tặng 282.128 suất quà cho các đối tượng chính sách, người có công.
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến thăm, tặng quà thương, bệnh binh |
Hà Nội luôn có chính sách đặc thù triển khai hoạt động tri ân
Là địa phương tập trung đông người có công và thân nhân sinh sống, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô Hà Nội luôn quan tâm thực hiện tốt công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”, tri ân, chăm lo chu đáo người có công và các gia đình chính sách. Đặc biệt, Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế chính sách riêng, có nhiều chính sách cao hơn mức của Trung ương, để góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có công, gia đình chính sách. Qua đó, bồi đắp và thắp sáng truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Đinh Hồng Phong, không phải đến dịp 27/7, TP mới tập trung thực hiện công tác tri ân, mà các hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ được triển khai thường xuyên, bền bỉ từ đầu năm đến nay.
Tổng kinh phí 6 tháng đầu năm 2024 chi cho công tác ưu đãi người có công của thành phố là 1.252 tỷ đồng. Trong đó, Hà Nội thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp cho gần 80.000 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng với số tiền 1.094 tỷ đồng; chi trả trợ cấp một lần là 88 tỷ đồng; chi quà Tết 35 tỷ đồng; chi điều dưỡng người có công 35 tỷ đồng.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn tặng quà thương, bệnh binh |
Công tác chăm lo cho người có công cũng là một nội dung quan trọng trong các hoạt động của Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”. Thời gian qua, TP đã thực hiện các biện pháp cụ thể, thiết thực để gia đình có công với cách mạng có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú, hỗ trợ người có công có khó khăn về nhà ở, xóa hộ nghèo có thành viên là người có công.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, TP luôn có chính sách đặc thù để triển khai các hoạt động tri ân một cách hiệu quả và mang ý nghĩa thiết thực nhất. HĐND TP đã ban hành Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND ngày 8/12/2022 quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.
Chủ tịch Uỷ ban MTTQ TP Nguyễn Lan Hương thăm Mẹ liệt sĩ |
Cùng với đó là Nghị quyết số 25/2022/NĐ-HĐND quy định mức hỗ trợ kinh phí hoạt động hằng năm của đại diện các ban liên lạc tù chính trị TP Hà Nội và nội dung, mức tặng quà của TP tới các đối tượng chính sách, bao gồm người có công, nhân dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, Ngày Quốc khánh 2/9…
Chiến tranh đã lùi xa nhưng mất mát, hi sinh, đau thương vẫn còn đó. Đền ơn đáp nghĩa, tri ân các anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công là chúng ta đang nghiêng mình trước gian lao của Tổ quốc để quý trọng hơn sự hòa bình, phát triển hôm nay. Đồng thời, thông qua các hoạt động thiết thực, ý nghĩa này, giáo dục truyền thống, thắp lên những ngọn lửa tri ân trong lòng giới trẻ; để một TP nghĩa tình, một dân tộc nghĩa tình sẽ là "cái nôi" của những con người nhân văn.