• :
  • :

Để lễ hội mùa xuân là không gian văn hóa lành mạnh

(05/02/2025)

Lễ hội mùa xuân là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Việt, thể hiện ý nghĩa sâu sắc về tâm linh, tín ngưỡng.

Lễ hội gắn kết cộng đồng

Trải dài khắp các vùng miền cả nước, mỗi lễ hội mùa xuân mang một sắc thái riêng, phản ánh đặc trưng văn hóa của từng địa phương, như: Lễ hội chùa Hương, Lễ hội Yên Tử - nơi con người hướng về cội nguồn, tri ân tổ tiên, cầu mong bình an và hạnh phúc.

Cũng có những lễ hội như hội Gióng, hội Lim, hội vật làng Sình, nơi tinh thần thượng võ, nghệ thuật dân gian và nét đẹp truyền thống được thể hiện một cách sống động.

Đặc biệt trong các lễ hội, những phong tục như rước kiệu, hát quan họ, đua thuyền, đấu vật, kéo co… tạo nên một không gian văn hóa đầy màu sắc, nơi con người có thể giao lưu, kết nối và cảm nhận sâu sắc hơn về truyền thống dân tộc.

Lễ khai hội chùa Hương 2025. Ảnh: Kim Nhuệ
Lễ khai hội chùa Hương 2025. Ảnh: Kim Nhuệ

Với sự đa dạng, phong phú, lễ hội mùa xuân không chỉ là dịp để người dân vui chơi, giải trí mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về tâm linh, tín ngưỡng và sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên, tổ tiên và cộng đồng. Ngoài yếu tố tâm linh và giải trí, lễ hội mùa xuân còn là dịp để cộng đồng củng cố tình đoàn kết, chia sẻ niềm vui và cùng nhau hướng đến một năm mới với nhiều điều tốt đẹp.

Tuy nhiên, khi những lễ hội bắt đầu diễn ra sôi động khắp cả nước cũng đã xuất hiện không ít những lo ngại một số lễ hội truyền thống sẽ bị mất đi ý nghĩa tốt đẹp vốn có bởi sự biến tướng, thương mại hóa thái quá, những hành vi trục lợi cá nhân hay những hành vi phản cảm trong lễ hội... Điều này không chỉ làm mai một giá trị truyền thống mà còn ảnh hưởng đến nhận thức của cộng đồng về văn hóa dân tộc.

Chia sẻ về nỗi lo này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội - cho rằng, khi lễ hội trở thành cơ hội kinh doanh, nhiều người đã lợi dụng không gian văn hóa này để trục lợi, dẫn đến tình trạng ép giá, bán hàng kém chất lượng, hoặc thậm chí là tổ chức những hoạt động mang tính vụ lợi, làm lu mờ giá trị tâm linh và tinh thần vốn có.

Bên cạnh đó, một số hành vi tranh cướp, bạo lực trong nhiều lễ hội đã không phản ánh đúng tính linh thiêng vốn có của nghi lễ truyền thống, gây ra hình ảnh phản cảm, đi ngược lại với bản chất nhân văn của lễ hội. Thậm chí, nhiều người tham gia lễ hội với tâm lý mê tín dị đoan hơn là để trải nghiệm văn hóa hay bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Điều này dẫn đến những hành vi thiếu kiểm soát như chen lấn, tranh cướp, hoặc thực hiện các nghi lễ không đúng với ý nghĩa ban đầu.

Mặt khác, sự thay đổi của xã hội hiện đại có tác động đến cách tổ chức và tiếp nhận lễ hội. “Khi tốc độ đô thị hóa, hội nhập diễn ra nhanh chóng, một số lễ hội truyền thống không còn phù hợp với đời sống hiện đại nhưng vẫn được duy trì một cách máy móc, dẫn đến sự gượng ép, mất đi tính tự nhiên và giá trị nguyên bản”- PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Loại bỏ tâm lý mê tín, trục lợi

Để các lễ hội mùa xuân thực sự trở thành không gian văn hóa lành mạnh, gìn giữ được nét đẹp truyền thống và mang lại trải nghiệm ý nghĩa cho cộng đồng, rất cần có sự chung tay của cả các cơ quan quản lý và người dân tham gia.

Theo đó, ngày 4/2, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện chỉ đạo tổ chức các hoạt động lễ hội sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân năm 2025 theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, thực hiện nếp sống văn minh, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, tuyệt đối không tổ chức và tham dự các lễ hội tràn lan, lãng phí; nhất là lợi dụng để tác động, hoạt động mê tín dị đoan, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội để trục lợi, tác động tiêu cực.

Từ những chỉ đạo, yêu cầu quyết liệt của Lãnh đạo Chính phủ, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu ý kiến rằng, các địa phương cần tăng cường quản lý chặt chẽ các hoạt động thương mại trong lễ hội là điều cần thiết để tránh tình trạng trục lợi, ép giá, hay biến tướng thành hoạt động kinh doanh thuần túy.

Về phía người dân, những người đi lễ cần có thái độ tôn trọng không gian văn hóa, ứng xử văn minh; cần loại bỏ tâm lý mê tín, chạy theo các hình thức cầu tài, cầu lộc thái quá mà quên đi ý nghĩa thực sự của việc tri ân tổ tiên, tìm về cội nguồn văn hóa.

Như vậy, khi cả cộng đồng cùng có ý thức giữ gìn và phát huy giá trị của lễ hội, những không gian văn hóa truyền thống, cùng điều chỉnh những yếu tố chưa phù hợp sẽ giúp cho lễ hội đầu năm thực sự trở thành một không gian văn hóa lành mạnh, nơi mọi người có thể vui chơi, chiêm nghiệm và cảm nhận trọn vẹn tinh thần mùa xuân!

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn việc thực hiện tốt quy định pháp luật về tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội trên địa bàn.
 
Tác giả: Bảo Thoa