Tính chất ngày càng nghiêm trọng
Hoạt động của các ngân hàng thương mại luôn giữ vị trí quan trọng, nhất là giải quyết vốn, tạo công ăn việc làm để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng và tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng diễn biến hết sức phức tạp và có xu hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng, gây thất thoát nhiều tỷ đồng, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Hành vi lợi dụng cơ chế chính sách của ngành ngân hàng, nhất là quy định về lãi suất trần, sơ hở trong khâu quản lý để lợi dụng làm trái, tham ô, lừa đảo chiếm đoạt vốn của ngân hàng.
Điển hình là vụ Lương Nguyễn Thành Trung, trong thời gian từ 2019-2020, là giao dịch viên của Phòng giao dịch Nam Đông được giao quản lý tiền, giao dịch hàng ngày đối với khách hàng thuộc Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (Ngân hàng Liên Việt), Chi nhánh Huế, do cần tiền tiêu xài nên Trung đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của Ngân hàng. Trung lợi dụng kiểm soát viên không kiểm soát chi tiết hoạt động của giao dịch viên theo quy trình của ngân hàng và đã có hành vi gian dối, tráo đổi sổ tiết kiệm thật với sổ tiết kiệm do Trung có được trước đó với tổng số 43 sổ tiết kiệm của Ngân hàng Liên Việt tại Phòng Giao dịch Nam Đông và thực hiện hành vi chiếm đoạt tổng số tiền của Ngân hàng gần 6,3 tỷ đồng.
Liên đới trách nhiệm vụ án này còn có Nguyễn Văn Chương và Cái Hữu Thuyến, cùng công tác với Trung tại đơn vị này. Với nhiệm vụ được giao là kiểm soát viên nhưng không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao trong việc kiểm tra, đối soát, quản lý mật khẩu tài khoản nên đã ký, phê duyệt để phát hành và tất toán các sổ tiết kiệm không đúng quy định, để Trung lợi dụng thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của Ngân hàng gây thiệt hại với tổng số tiền gần 6,3 tỷ đồng. Trong đó, cơ quan chức năng xác định Chương chịu trách nhiệm đối với 41 sổ tiết kiệm với tổng số tiền thiệt hại là 5,946 tỷ đồng, Thuyến chịu trách nhiệm đối với 2 sổ tiết kiệm với tổng số tiền thiệt hại là 350 triệu đồng.
Cả 3 hiện đã bị bắt tạm giam về tội “Tham ô tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh đã hoàn thành cáo trạng truy tố đối với các bị can này, đồng thời chuyển Tòa án Nhân dân tỉnh nghiên cứu hồ sơ và xét xử trong thời gian đến.
Vụ án Huỳnh Trọng Khoa và đồng phạm chiếm đoạt số tiền hơn 12,9 tỷ đồng của Quỹ tín dụng Tây Lộc (TP. Huế) bị truy tố về các tội “Tham ô tài sản” và tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” cũng là một điển hình tương tự. Hiện, Tòa án Nhân dân tỉnh đang nghiên cứu hồ sơ vụ án và sẽ sớm đưa ra xét xử trong thời gian đến.
Ngoài ra, liên quan đến tội phạm tham nhũng, 6 tháng đầu năm 2022, Tòa án Nhân dân tỉnh thụ lý 4 vụ/16 bị cáo; trong đó, đã giải quyết 2 vụ/8 bị cáo, còn lại 2 vụ/8 bị cáo.
Cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp
Theo cơ quan chức năng, tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng thường liên quan đến nhóm chủ thể là cán bộ ngân hàng. Hành vi vi phạm thường biểu hiện thông qua các hình thức như: tham ô, cố ý làm trái, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ để chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tiền của các tổ chức tín dụng, ngân hàng.
Theo Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng, cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết là hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống pháp luật về tín dụng và ngân hàng; kiện toàn và tăng cường năng lực tổ chức bộ máy cơ quan quản lý Nhà nước về ngân hàng. Để làm được điều này, các ngân hàng phải có những động thái rà soát và chấn chỉnh lại quy trình công tác, bịt kín những sơ hở, thiếu sót trong hoạt động nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi công dân trong phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tín dụng, ngân hàng.
Thái Sơn