Ban đầu, bệnh nhân nữ (50 tuổi tại Bắc Giang) xuất hiện một nốt chấm nhỏ như đầu tăm trên mặt. Khi sờ vào, bệnh nhân thấy hơi gồ. Bệnh nhân nghĩ nốt này là mụn trứng cá già. Sau đó, chấm sẫm màu bắt đầu lan rộng. Tuy nhiên, bệnh nhân cho rằng do tuổi tác, da lão hóa xuất hiện nám, đồi mồi, xạm.
Khoảng một năm gần đây, mảng da sẫm màu vẫn tiếp tục phát triển và bong vảy. Thấy mảng da sẫm màu có sự bất thường nhanh hơn nên bệnh nhân quyết định thăm khám tại Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
Kết quả khám, xét nghiệm sinh thiết mẫu biểu mô cho thấy bệnh nhân mắc ung thư da dạng biểu mô tế bào vảy. Điều này đã kiến cho bệnh nhân không khỏi ngỡ ngàng.
ThS. BS Nguyễn Hữu Trọng, Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Ung thư biểu mô tế bào vảy (Squamous cell carcinoma- SCC) là ung thư khởi phát từ tế bào các lớp biểu bì của da và niêm mạc. Bệnh chiếm khoảng 20% các ca ung thư da và chiếm vị trí thứ 2 về mức độ phổ biến của ung thư da, sau ung thư da biểu mô tế bào đáy.
Ung thư da được chia làm 3 dạng chính: Ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư hắc tố. Nguyên nhân dẫn đến ung thư da có nhiều yếu tố như di truyền, môi trường sống và thói quen hằng ngày.
Trong đó, tia UV (tia cực tím) từ ánh nắng mặt trời là nguyên nhân chính gây ung thư tế bào vảy. Những người tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là trong thời gian dài, có nguy cơ mắc ung thư này cao hơn.
Bác sĩ Trọng cho hay các yếu tố như: Da sáng màu, tiền sử bị cháy nắng, dùng thuốc ức chế miễn dịch, nhiễm virus HPV (Human Papillomavirus), và bệnh lý như viêm da mãn tính cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư da.
Bác sĩ Trọng cho hay ung thư biểu mô tế bào vảy rất nguy hiểm. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì bệnh có thể dẫn đến tử vong. Tuy nhiên ung thư biểu mô tế bào vảy vẫn có thể loại bỏ bằng các phương pháp điều trị hiện nay nếu được phát hiện sớm và điều trị tích cực. Nếu ung thư đã di căn hoặc xâm lấn sâu vào các mô, việc điều trị có thể trở nên phức tạp hơn.
ThS. BS Nguyễn Thị Vân, Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ (Bệnh viện Bạch Mai), khuyến cáo khi có 1 trong 4 dấu hiệu dưới đây, mọi người cần nghĩ tới ung thư da: Tổn thương da mới xuất hiện, hoặc thay đổi màu sắc, kích thước, hình dạng; tiến triển và không đáp ứng với điều trị thuốc bôi thông thường hoặc tái phát nhanh sau khi phẫu thuật cắt bỏ.
Dấu hiệu tổn thương da mới xuất hiện trên nền bệnh lý da tồn tại từ trước (sẹo bỏng, dày sừng quang hoá, bệnh Bowen, tàn nhang, u nhú, viêm da mạn tính, miễn dịch…); tổn thương sùi hoặc loét lâu lành, dễ chảy máu, ngứa hoặc đau hoặc có vảy.
Các tổn thương sắc tố đen thường gọi là “nốt ruồi” có các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ của bệnh ung thư da hắc tố viết tắt là ABCDE, trong đó A (Asymmetry) là tổn thương không đối xứng; B (Border) là bờ tổn thương không đều; C (Color) là tổn thương có nhiều màu sắc; D (Diameter) là đường kính tổn thương > 6mm; E (Evolution) là tổn thương có sự thay đổi nhanh về các tính chất (tăng kích thước, màu sắc, loét…).
Theo bác sĩ Trọng, để phòng ngừa ung thư biểu mô vảy, mọi người nên tránh tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời, đặc biệt là trong những giờ cao điểm từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, sử dụng kem chống nắng, mặc quần áo bảo vệ và đội mũ khi ra ngoài trời, kiểm tra da định kỳ để phát hiện các dấu hiệu bất thường và điều trị kịp thời.