• :
  • :

Doanh nghiệp công nghiệp nỗ lực trở lại 'đường băng' tăng trưởng

(27/12/2024)

Kinh tế phục hồi, doanh nghiệp công nghiệp trở lại “đường băng” tăng trưởng và có đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.

Những gam màu sáng

Mặc dù tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, song với nền tảng vĩ mô ổn định, cùng với các biện pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, năm 2024 sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhanh và trên diện rộng, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng.

sản xuất công nghiệp
Kinh tế phục hồi, doanh nghiệp công nghiệp trở lại “đường băng” tăng trưởng và có đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng chung của cả nền kinh tế. Ảnh: TH

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang gặp nhiều khó khăn, sức cầu của thị trường kém, tiêu dùng tư nhân chưa phát huy được nhiều vai trò thúc đẩy sức cầu cho sản xuất, thì cùng với những nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, việc Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư công lớn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tạo động lực mới cho sản xuất công nghiệp.

Báo cáo Bộ Công Thương cho thấy, tính chung 11 tháng năm 2024 sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhanh và trên diện rộng (tăng ở 60/63 địa phương) là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng khi IIP tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,9%), là mức tăng cao nhất trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,0%), đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,2%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm...

Đặt nhiều kỳ vọng về tăng trưởng, ông Phạm Công Thảo - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) chia sẻ, thị trường thép có khả năng sẽ tiếp tục đà hồi phục nhờ những yếu tố tích cực như: Kinh tế trong nước tăng trưởng tốt, các chỉ tiêu tăng trưởng được cải thiện qua hằng quý, hoạt động đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy. Chính phủ cũng rất quan tâm tháo gỡ cho lĩnh vực bất động sản, xây dựng, tạo tiền đề để nhu cầu tiêu thụ thép trong nước tiếp tục phục hồi…

Đối với Tổng công ty Thép Việt Nam, để đảm bảo kết quả sản xuất kinh doanh, Tổng công ty đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ và giữ vững thị phần trên thị trường, song song với tăng cường tìm kiếm các thị trường xuất khẩu.

Tương tự, ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu đàm phán cho giai đoạn đầu 2025. Năm 2024, xuất khẩu dệt may Việt Nam sẽ cán đích xấp xỉ 44 tỷ USD, tăng gần 11% so với năm 2023. Với kết quả này, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 sau Trung Quốc về tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may, đứng trên Bangladesh.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã chủ động quy trình sản xuất - kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã đạt kết quả sản xuất, kinh doanh khá khả quan. Đây cũng là những tín hiệu tích cực, bước đệm quan trọng để tỉnh đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 và những năm tiếp theo.

Tập trung các giải pháp tăng trưởng trong dài hạn

Nhìn một cách tổng quan, để mở đường bước vào “đường băng” tăng trưởng trong năm 2025 thì lĩnh vực sản xuất công nghiệp Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để là “một phần công xưởng của thế giới”. Nhất là cần đa dạng hóa thị trường công nghiệp, đi sâu vào tính bền vững trong tương lai, cũng như cần nhanh chóng đầu tư vào cả việc xây dựng năng lực con người và tự động hóa.

Theo TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), về lâu dài hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững, các doanh nghiệp công nghiệp cần tập trung đẩy mạnh sản xuất xanh, tiêu dùng xanh và kinh doanh tuần hoàn. Hơn nữa, các doanh nghiệp cần thực thi chiến lược chuyển đổi số gắn với bài toán đầu tư công nghệ, nhân sự số, dữ liệu và kiểm soát rủi ro…

Đi vào giải pháp cụ thể, về phía Bộ công Thương đưa ra 4 giải pháp cụ thể: Thứ nhất, tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp – đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da - giày và các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép…; thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.

Thứ hai, tập trung công tác tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên làm cơ sở cho các nguồn lực tăng trưởng mới trong các ngành công nghiệp trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình làm việc với các địa phương và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có nhằm khôi phục và phát huy đà tăng trưởng của công nghiệp tại các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm.

Thứ tư, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục tận dụng cơ hội từ các dự án đầu tư công lớn và các chính sách khôi phục thị trường bất động sản của Chính phủ. Khuyến khích việc tăng cường mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước, hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm và nguyên liệu nhập khẩu mà trong nước đã sản xuất được; Đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường mới cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da-giày, điện tử...

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung các giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất công nghiệp. Đồng thời các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần bám sát thị trường, mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới; tăng cường kết nối chuỗi sản xuất. Quan trọng là các hiệp hội, ngành hàng cần tăng cường hoạt động kết nối doanh nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của nhau.