• :
  • :

Làm rõ việc áp dụng Luật Đấu thầu với dự án có vốn Nhà nước từ 30%

(24/05/2023)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Luật Đấu thầu (sửa đổi) là dự án luật khó ở cả trong quan điểm chính sách và cả kỹ thuật pháp lý.

Sáng 24/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Sau khi lắng nghe các ý kiến của đại biểu Quốc hội, phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật Đấu thầu vừa phải giải quyết vướng mắc phát sinh vừa phải tạo được điều kiện thuận lợi cho đấu thầu, vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý.

“Đâu là điểm cân bằng cho các yêu cầu này là điều rất khó. Quản lý chặt quá lại khiến mất tự chủ, lại gây khó khăn ách tắc, nếu lỏng quá lại không bảo đảm quản lý Nhà nước” - Bộ trưởng nêu rõ và nhấn mạnh, dự án luật khó ở cả trong quan điểm chính sách và cả kỹ thuật pháp lý.

Về phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu sử dụng vốn Nhà nước và vốn của doanh nghiệp Nhà nước - nội dung được rất nhiều đại biểu quan tâm thảo luận và hiện nay còn có kiến khác nhau.

Bộ trưởng cho biết, theo phương án Chính phủ đã trình Quốc hội, Luật này chỉ áp dụng đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp Nhà nước thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp, gồm doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Đồng thời, dự thảo Luật đã bãi bỏ điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu hiện hành để không áp dụng Luật này đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu thuộc các dự án có sử dụng vốn Nhà nước, vốn của doanh nghiệp Nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.

Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, cho ý kiến, một số đại biểu cho rằng, quy định như phương án của Chính phủ sẽ thu hẹp đáng kể phạm vi áp dụng của Luật đối với các gói thầu sử dụng vốn Nhà nước và vốn của doanh nghiệp Nhà nước, tạo khoảng trống pháp luật trong quản lý vốn Nhà nước.

Đại biểu lo ngại sẽ dẫn đến hầu hết gói thầu của công ty con thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ không phải đấu thầu.

Do vậy, đề nghị áp dụng Luật này đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của cả doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp Nhà nước.

“Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, phương án do Chính phủ đề xuất bảo đảm không thu hẹp phạm vi áp dụng của Luật đối với các gói thầu sử dụng vốn Nhà nước và vốn của doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời cũng không tạo ra khoảng trống pháp luật trong quản lý vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp khác” - Bộ trưởng Dũng cho biết.

Dẫn quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, đối tượng doanh nghiệp được xác định là doanh nghiệp Nhà nước đã được mở rộng, không chỉ bao gồm doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước mà còn có cả doanh nghiệp trong đó Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên, Bộ trưởng cho hay dự thảo Luật đã quy định doanh nghiệp Nhà nước thuộc các đối tượng nêu trên phải tuân thủ Luật Đấu thầu và do vậy, không thu hẹp phạm vi điều chỉnh của Luật đối với các doanh nghiệp Nhà nước.

Đồng thời, khoản 1 Điều 1 của dự thảo Luật đã quy định việc áp dụng Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Quy định như vậy vẫn đảm bảo nguyên tắc tất cả các dự án sử dụng vốn Nhà nước, bất kể dự án đó của doanh nghiệp Nhà nước hay không phải của doanh nghiệp Nhà nước đều phải áp dụng Luật Đấu thầu.

Thêm nữa, theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69) thì vốn Nhà nước sau khi đầu tư vào doanh nghiệp Nhà nước là vốn của doanh nghiệp Nhà nước.

Theo đó, đối với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước thì doanh nghiệp có trách nhiệm bảo toàn, sử dụng có hiệu quả và Nhà nước không can thiệp vào hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước tại doanh nghiệp khác.

Đồng thời, Luật số 69 cũng quy định cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty của doanh nghiệp Nhà nước đối với phần vốn của doanh nghiệp Nhà nước đầu tư tại các công ty con.

Vì vậy, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, phương án của Chính phủ bảo đảm phù hợp với quan điểm tại Nghị quyết số 12 của Ban chấp hành trung ương Đảng cũng như quy định của Luật số 69.

Theo đó, doanh nghiệp Nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật.

"Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu tại phiên họp hôm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ xem xét phương án hoàn thiện quy định về vấn đề này theo hướng bảo đảm thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động đấu thầu của doanh nghiệp Nhà nước, nhưng không làm suy giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nguồn vốn Nhà nước" - Bộ trưởng khẳng định.

 

 
Tác giả: Quỳnh Nga - Thu Hường