Xuất khẩu sầu riêng tăng tốc kỷ lục, song tiềm ẩn nguy cơ ! 

Xuất khẩu sầu riêng (SR) Việt Nam đang tăng tốc kỷ lục đã tác động tích cực đến giá SR trong nước. Nhưng theo các chuyên gia nếu thiếu những bước đi tiếp theo, SR sẽ gieo mầm sầu chung…

Thu hoạch sầu riêng ở Tiền Giang.

Kỷ lục lịch sử ngành hàng

Ngày 17-9-2022 như cột mốc quan trọng của ngành hàng SR Việt Nam khi lô SR 100 tấn đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sau thời gian dài phụ thuộc lớn qua đường tiểu ngạch. Ðây được xem là thành quả từ việc ký kết Nghị định thư giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc vào tháng 7-2022.  Ngay sau đó, là hàng loạt những chuyến hàng SR lên đường xuất ngoại theo đường chính ngạch. Ðến tháng 10-2022, kim ngạch xuất khẩu SR Việt Nam vào thị trường Trung Quốc đạt gần 50 triệu USD, tăng hơn 4.000% so với cùng kỳ năm ngoái. Ðiều này không chỉ giúp SR trở lại danh hiệu “vua” trong ngành hàng trái cây, mà còn tác động tích cực đến giá SR trong nước. Cụ thể, sau thời gian lao đao ở mức “giá thấp, khó bán”, giá SR tại vườn đã bắt đầu tăng mạnh. Ðến ngày 25.12, SR RI 6 tại vườn vùng ÐBSCL được thương lái thu mua với giá trên 60.000 đồng/kg. Tương tự, giá SR giống Thái Lan dao động 70.000-75.000 đồng/kg. Với giá này, nhà vườn đạt mức lãi cao.

Tuy nhiên, theo ThS Nguyễn Phước Tuyên, nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Ðồng Tháp, điều này còn phá thế độc quyền SR Thái Lan tại thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới là Trung Quốc. “Sự xuất hiện mạnh của SR Việt Nam đã khiến giá bán sỉ SR ở Thái Lan liên tục giảm”, ThS Tuyên cho biết. Ðiển hình là SR Monthong liên tục giảm từ 199.000 đồng/kg trong tháng 9 xuống còn 162.795 đồng/kg vào tháng 10 và 160.488 đồng/kg vào tháng 11. Trong khi đó, giá SR của Việt Nam lại có dấu hiệu tăng nhẹ tại thị trường Trung Quốc. Cụ thể, sau khi giảm giá 154.339 đồng/kg vào tháng 9 xuống còn 108.044 đồng/kg vào tháng 10, thì đến tháng 11-2022, giá SR RI 6 đã tăng lên 151.332 đồng/kg.

Tiềm ẩn nguy cơ

Các chuyên gia cho rằng, SR Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc có ý nghĩa lớn. Bởi đây là quốc gia nhập khẩu SR hàng đầu thế giới. “Số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, lượng nhập khẩu SR của quốc gia này tăng hằng năm” - ThS Tuyên nhấn mạnh. Năm 2017 Trung Quốc nhập 224.400 tấn SR thì đến năm 2021, con số này đã tăng lên 821.500 tấn và giá trị nhập khẩu đạt 4,2 tỉ USD. Trong đó, Thái Lan được xem như quốc gia thống trị tuyệt đối thị trường SR của Trung Quốc. Năm 2021, Thái Lan xuất khẩu SR vào Trung Quốc đến 807.227 tấn, giá trị 4,119 tỉ USD. Vì thế sự hiện diện của SR Việt Nam vào Trung Quốc theo đường chính ngạch, không chỉ có ý nghĩa xác lập vị thế tại thị trường lớn, mà còn thể hiện tâm thế nông sản Việt trong cuộc cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, theo ThS Tuyên, bên cạnh niềm vui, việc tăng tốc nhanh cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ đáng lo. “Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp Thái Lan, SR Việt Nam đang vướng vào nạn giả mạo”- ThS Tuyên cho biết.  Do phần lớn người tiêu dùng Trung Quốc khó nhận biết sự khác biệt giữa SR của Thái và của Việt Nam, nên đã xuất hiện tình trạng lấy SR Việt làm giả nhãn hiệu Thái để bán giá cao hơn. Trước mắt tình trạng này chỉ diễn ra tại phân khúc đường phố và nhà xuất khẩu Việt Nam “vô can”, nhưng chắc rằng điều này sẽ châm ngòi cho những bất lợi khó lường cho SR Việt Nam trong thời gian tới.  

Mặt khác, tại các kênh tiêu thụ lớn như siêu thị… ở Trung Quốc, giá SR Việt Nam được xếp vào hàng “chiếu dưới”. “Thông tin từ Sứ quán Thái Lan tại Trung Quốc cho thấy tuy có bị sụt giảm, nhưng giá SR Monthong của Thái Lan vẫn dao động ở mức trên 400.000 đồng/kg so với SR RI 6 của Việt Nam chỉ mở mức trên 130.000 đồng/kg” - ThS Tuyên phân tích. Ðiều này cho thấy SR Việt Nam chỉ dành cho người thu nhập thấp, đây là phân khúc thị trường có sức mua hữu hạn. Có nhiều nguyên nhân nhưng theo ThS Tuyên, cơ bản là do SR Việt có nhiều nhược điểm như: chất lượng trái không ổn định, thời gian bảo quản ngắn do dễ bị nứt trái khi chín...

Trong khi đó, các dự báo cho thấy, cánh cửa nhập khẩu SR của Trung Quốc đang hẹp dần do quốc gia này đang tự chủ tại chỗ. “Việc Trung Quốc bắt tay trồng thử nghiệm SR đã khiến ngành Nông nghiệp Thái Lan đưa ra những dự báo giảm xuất khẩu SR vào thị trường này theo lộ trình: từ 95,9% vào năm 2021 xuống còn 90,4% vào năm 2025 và 88,1% vào năm 2030”- ThS Tuyên cho biết. Ðiều này cũng đặt ra cho người sản xuất SR Việt Nam suy nghĩ để tiết giảm nạn “thấy ăn khoai, vác mai đi đào” để tránh SR trở thành nỗi sầu chung trong tương lai. TS Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam chia sẻ: “Cây SR đòi khỏi rất khắt khe về đất đai, giống trồng và kỹ thuật canh tác. Vì thế, nếu vì “phong trào” mà nhà vườn đổ xô trồng, bất chấp 3 yếu tố trụ cột này thì hệ lụy rất khó lường”.

Tuy nhiên, các tác nhân trong chuỗi cung ứng SR Việt còn nhiều việc phải làm để giữ được thị trường. “Trước hết cần bảo đảm truy xuất nguồn gốc; an toàn thực phẩm; hái đúng độ chín và bảo đảm  không trái không nhiễm sâu bệnh. Muốn vậy, hơn bất cứ lúc nào, cần có tiếng nói chung giữa nhà vườn, nhà máy sơ chế và nhà xuất khẩu SR”- xin mượn lời ThS Tuyên để kết thúc bài viết này như thông điệp: đừng để SR thành sầu chung ngay khi vừa hé lộ niềm vui.

Tác giả: Bài, ảnh: THANH MAI
Nguồn: https://baocantho.com.vn/xuat-khau-sau-rieng-tang-toc-ky-luc-song-tiem-an-nguy-co--a155014.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin
  • :
  • :