Qua con số xuất khẩu đạt được, ông Nguyễn Minh Họa, Phó Chủ tịch VINACAS cho biết, số lượng điều nhân xuất khẩu và điều thô nhập khẩu đều giảm đáng kể so với cùng kỳ 2021. Năm 2022 có thể nói, ngành điều đã chấm dứt giai đoạn tăng trưởng về xuất khẩu kéo dài 10 năm (năm 2011 – 2021).
Nguyên nhân, trong năm 2022, các nhà nhập khẩu và chế biến có xu hướng chậm mua hàng nguyên liệu. Giá điều thô vẫn ở mức rất cao so với giá nhân bán ra, giá thành chế biến xuất khẩu cao trong khi giá bán nhân xuất khẩu thấp. Bên cạnh đó, lương thực tăng giá, lạm phát của nền kinh tế các nước đã tác động tiêu cực đến chi tiêu của người dân nói chung và sức mua của thị trường. Đây là nguyên nhân dẫn đến sức mua của thực phẩm không thiết yếu như hạt điều đã bị ảnh hưởng, dự báo còn kéo dài sang năm 2023. Số lượng hàng xuất khẩu vào các thị trường CPTPP và EVFTA có tăng nhẹ, tuy nhiên về nhân điều, xuất khẩu trực tiếp vào một số thị trường cao cấp như Anh, Đức, Pháp,… còn thấp.
Thị trường Trung Quốc, trước đây Việt Nam từng có thế mạnh, nay đã đánh rơi vị thế vào một số quốc gia khác. Như vậy, tình hình xuất khẩu năm 2023 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Năm 2023, ngành điều dự kiến xuất khẩu 3,10 tỷ USD.
Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch VINACAS đề xuất các bộ, ngành cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp ngành điều, đặc biệt về các chính sách thuế, hải quan. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại ưu tiên “room” tín dụng và gói hỗ trợ giảm lãi suất vay cho ngành điều.
Bộ Tài chính, Bộ Công thương có văn bản hướng dẫn cụ thể giúp tháo gỡ vướng mắc về loại hình, xuất xứ hàng hóa… cho các doanh nghiệp nhập khẩu hạt điều thô. Bộ NN-PTNT tổ chức đánh giá, quy hoạch ổn định và lâu dài các vùng trồng điều. Trong điều kiện khó gia tăng diện tích, đề nghị giải pháp hợp tác khai thác, phát triển vùng nguyên liệu điều tại Campuchia và Lào.