Triển vọng nuôi trai lấy ngọc trên vùng hồ Hòa Bình

Năm 2023, Hợp tác xã (HTX) Đà Giang Eco, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc liên kết với doanh nghiệp để nuôi trai lấy ngọc tại lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Đây là một hướng đi mới nhằm nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản, cải thiện đời sống nhân dân trên vùng lòng hồ. Sau hơn 1 năm triển khai nuôi trồng, HTX Đà Giang Eco thu được kết quả khả quan.

Anh Xa Ngọc Hưng, Giám đốc HTX Đà Giang Eco cho biết: Hồ Hoà Bình có khí hậu ôn hòa, diện tích mặt nước lớn, nguồn nước ổn định, trong xanh, ánh sáng tốt… rất thuận lợi cho phát triển nghề nuôi trai nước ngọt lấy ngọc. Đặc biệt, chất lượng ngọc sau khi nuôi thử nghiệm trên hồ Hoà Bình cũng cao hơn so với nhiều nơi, viên ngọc trai thành phẩm tròn đều, sáng bóng, có giá trị cao... HTX Đà Giang Eco đã thả được 1.000 con trai. Trai được cho vào lồng nhỏ, nguồn thức ăn phù du trong nước. Trai là đối tượng mang tính chất cộng đồng, dễ làm, dễ thao tác, phù hợp cho mọi đối tượng nông dân nuôi trồng. Cán bộ kỹ thuật cũng có thể truyền đạt kỹ thuật nuôi cấy cho người dân bằng cách đơn giản nhất. Từ khi thả nuôi, trai đã dần thích ứng với môi trường nước nơi đây. HTX cũng từng bước rút kinh nghiệm và đưa ra được quy trình chăm sóc hợp lý.

Từ những thuận lợi thiên nhiên ban tặng, nghề nuôi trai nước ngọt lấy ngọc đang là hướng đi mới, mở ra tiềm năng phát triển kinh tế trong khu vực hồ Hoà Bình. Theo anh Hưng, đây là nghề cần trường vốn, chu kỳ nuôi kéo dài, ngắn cũng phải 2 - 3 năm, để có ngọc tốt phải 3 - 5 năm. Ngoài ra là các chi phí phát sinh, duy trì chăm sóc, nhân công… Bù lại, ngọc trai có dư địa thị trường rất lớn, giá bán hiện nay đối với ngọc loại 1 có thể lên tới 20.000 USD/kg. Đầu ra cho sản phẩm ngọc trai cũng rất phong phú. Hiện, việc xuất khẩu ngọc trai sang thị trường Nhật Bản, Trung Quốc... rất thuận lợi. Nuôi trai lấy ngọc còn làm cho môi trường nước trong lành, giảm ô nhiễm nguồn nước, có thể kết hợp nuôi cá. Với đặc tính hút lọc nước để bắt mồi là các loài khuê tảo, chất cặn vụn hữu cơ trong nước, nuôi trai lấy ngọc còn góp phần quan trọng hạn chế tình trạng ô nhiễm của ao, hồ, bảo vệ môi trường khu vực hồ.

Ngoài sản phẩm chính là ngọc trai, thịt con trai cũng được dùng làm thực phẩm hoặc thức ăn trong chăn nuôi; vỏ trai dùng làm nguồn phân bón… tạo mô hình nông nghiệp tuần hoàn khép kín gắn với du lịch để phát triển bền vững. Việc nuôi trai lấy ngọc phù hợp với xu thế và định hướng phát triển của địa phương bởi vừa phát triển kinh tế, vừa không xâm hại môi trường nước, thức ăn của trai chủ yếu là các loài phù du, tảo… sẵn trong tự nhiên.

Qua quá trình nuôi có thể nhận thấy việc nuôi trai lấy ngọc đem tới nhiều lợi ích về giá trị kinh tế. Mô hình này cũng đang góp sức quan trọng vào hoạt động du lịch trải nghiệm của địa phương.

 

Việt Lâm

 

 

Nguồn: http://baohoabinh.com.vn/12/190702/Trien-vong-nuoi-trai-lay-ngoc-tren-vung-ho-Hoa-Binh.htm
  • :
  • :