Nông dân ở quận Thốt Nốt chăm sóc, bón phân cho ruộng lúa đông xuân.
Lúa được hỏi mua giá cao kỷ lục
Lúa Ðài Thơm 8 cùng nhiều loại lúa thơm khác như Jasmine 85, OM 18 và RVT được sản xuất ở Cần Thơ trong vụ đông xuân 2023-2024 dù còn hơn 1 tháng nữa mới bước vào thu hoạch nhưng đã có nhiều thương lái hỏi mua với giá cao...
Ông Lâm Văn Quí ở phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết: "Vụ đông xuân này, 2 héc-ta lúa của tôi gieo sạ giống Ðài Thơm 8. Hiện lúa đã được gần 60 ngày tuổi và bắt đầu trổ, dự kiến khoảng 40 ngày nữa ruộng lúa thu hoạch. Vừa qua, đã có thương lái đến ngỏ ý đặt cọc mua lúa tươi vào thời điểm thu hoạch lúa với giá 9.500 đồng/kg, thậm chí có thương lái từ một tỉnh ở xa đến hỏi mua với giá 9.800 đồng/kg. Mức giá này đã cao hơn rất nhiều so với đông xuân trước, tôi quyết định bán lúa tươi cho một thương lái quen tại quận Thốt Nốt với giá 9.500 đồng/kg và đã nhận tiền cọc 500.000 đồng/công lúa. Với mức giá như vậy và năng suất lúa vụ này nếu đạt khoảng 1 tấn/công, tôi có thể kiếm lời tới 7 triệu đồng/công, mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua". Ông Lâm Văn Kết ngụ khu vực Tân Phước, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, cũng cho biết: "5 công lúa sạ giống Ðài Thơm 8 trong vụ đông xuân của tôi mới bước vào giai đoạn làm đòng và trổ lác đác nhưng đã có nhiều thương lái đến hỏi mua lúa tươi với giá từ 9.500 đồng/kg trở lên. Mức giá này đang cao hơn 2.700 đồng/kg so với giá lúa mà tôi đã bán trong vụ đông xuân năm trước. Dù vậy, tôi quyết định chưa bán lúa mà chờ gần ngày thu hoạch mới "chốt giá" mong bán được giá cao hơn hiện nay. Vụ đông xuân năm trước, tôi bán lúa tươi được 6.800 đồng/kg và năng suất lúa đạt 950 kg/công tầm lớn 1.300m2, tính ra tôi có lời hơn 3,5 triệu đồng/công. Vụ này, tôi hy vọng mức lời được cao hơn để có điều kiện cải thiện cuộc sống vì nhìn chung thu nhập của người trồng lúa vẫn còn thấp, nhất là những gia đình có ít đất sản xuất".
Tiểu thương kinh doanh lúa gạo trên địa bàn TP Cần Thơ, cho biết trước đây chỉ đặt tiền cọc khoảng 300.000 đồng/công lúa thì nay phải nâng lên 500.000 đồng/công lúa. Tuy nhiên, thời gian qua giá lúa liên tục tăng nên nhiều nông dân vẫn chưa chịu nhận tiền cọc để "chốt giá" bán lúa mà muốn chờ giá tăng thêm. Trong khi đó, đa phần các thương lái mua lúa cũng thiếu vốn và sợ rủi ro nên cũng chưa dám đưa giá thu mua lúa lên quá cao, nhất là đối với các diện tích lúa qua Tết Nguyên đán 2024 mới bước vào thu hoạch. Theo anh Hồ Trọng Huyền tiểu thương kinh doanh lúa gạo ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, hiện nay do nguồn cung lúa gạo hàng hóa hạn chế, cùng với nhu cầu xuất khẩu cao và tiêu thụ nhiều loại gạo thơm ngon tại thị trường nội địa đang tăng, nhiều "cò lúa" và thương lái sẵn sàng trả mua các loại lúa thơm với giá hơn 10.000 đồng/kg đối với những ruộng lúa thu hoạch trước Tết Nguyên đán 2024. Ðáng chú ý, tại một số tỉnh như Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang, một số loại lúa thơm đang bước vào thu hoạch như ST 24, ST25... có giá lên đến 11.000-12.000 đồng/kg. Nhưng với các diện tích lúa thu hoạch sau Tết, đa phần hiện thương lái tại quận Thốt Nốt chỉ cho giá thu mua khoảng trên dưới 9.500 đồng/kg đối với lúa thơm hàng hóa, còn các ruộng sản xuất lúa giống có giá trên dưới 10.000 đồng/kg.
Nông dân tích cực chăm sóc lúa
Hiện nông dân trên địa bàn TP Cần Thơ đã xuống giống dứt điểm lúa vụ 2023-2024 với diện tích 72.813ha, đạt 101% so với kế hoạch. Năm nay, lũ nhỏ giúp nông dân giảm được các chi phí bơm nước đầu vụ và giá lúa đang ở mức cao, tạo phấn khởi cho nông dân khi bước vào vụ sản xuất lúa đông xuân. Tuy nhiên, sản xuất lúa trong vụ này vẫn gặp khó khi giá phân bón cùng nhiều loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất vẫn còn ở mức cao và tình hình thời tiết, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Rút kinh nghiệm từ các vụ sản xuất trước và thực hiện theo các khuyến cáo của ngành nông nghiệp, nông dân đã và đang tích cực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo có vụ mùa thắng lợi. Ðặc biệt, thực hiện các gói kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm" gắn với đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất lúa để giảm các chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng và giá bán sản phẩm. Ðồng thời, thăm đồng thường xuyên để chủ động chăm sóc, bảo vệ lúa. Ông Ðặng Thanh Hiền, ngụ xã Ðông Bình, huyện Thới Lai, cho biết: "3 héc-ta lúa sạ giống Ðài Thơm 8 của tôi đang phát triển rất tốt và ít sâu bệnh, hứa hẹn vụ mùa thắng lợi. Tuy nhiên, tôi không chủ quan mà thường xuyên thăm đồng để chủ động chăm sóc và bảo vệ lúa thật tốt bởi từ nay đến lúc thu hoạch lúa vẫn còn khá lâu". Theo anh Vương Văn Nêu ở phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, thời tiết diễn biến cực đoan do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nên nông dân không thể chủ quan nếu muốn có vụ mùa thắng lợi. Sản xuất lúa vụ đông xuân năm nay, nông dân rất tin tưởng có đầu ra thuận lợi và lúa bán được giá cao, điều nông dân cần tập trung hiện nay là phải chăm sóc lúa thật tốt để lúa đạt chất lượng và năng suất cao.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, vụ đông xuân 2023-2024, ngành Nông nghiệp thành phố đã khuyến cáo, hướng dẫn nông dân tập trung gieo trồng các loại lúa cho gạo thơm ngon, đặc sản và chất lượng cao để bán được giá cao, với các giống lúa chủ yếu gồm Jasmine 85, Ðài Thơm 8, OM 18, RVT, OM 5451, OM 380... Các trà lúa đông xuân chủ yếu đang trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh đến làm đòng và trổ, lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, trên một số trà lúa đã có sự xuất hiện và gây hại của một đối tượng dịch hại như chuột, rầy nâu, bệnh đạo ôn lá... Ðể chăm sóc và bảo vệ tốt lúa đông xuân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ đề nghị ngành Nông nghiệp các địa phương cử lực lượng cán bộ kỹ thuật, nhân viên trồng trọt và bảo vệ thực vật cấp cơ sở theo dõi, kiểm tra giám sát đồng ruộng, tổ chức cùng nông dân thăm đồng nắm chắc tình hình dịch hại, hướng dẫn nông dân phòng trị kịp thời.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG