Biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngày càng gây ra nhiều tác động tiêu cực cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp tại vùng ÐBSCL, nhất là đối với trồng trọt. Tuy nhiên, các hoạt động nuôi trồng thủy sản vẫn có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, nhất là nuôi tôm. Cùng các loại tôm nuôi nước lợ và nước mặn như tôm sú và tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh được đánh giá là đối tượng nuôi còn nhiều tiềm năng phát triển tại vùng ÐBSCL, tôm có thể phát triển tốt ở cả vùng nước ngọt và vùng nước có độ mặn lên đến 120 phần ngàn.
Sản xuất tôm giống tại một doanh nghiệp ở quận Cái Răng.
Mô hình nuôi hiệu quả
Những năm gần đây, ngành chức năng tại các địa phương vùng ÐBSCL đã hỗ trợ nông dân xây dựng và phát triển nhiều mô hình nuôi tôm càng xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ðặc biệt là mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh trên ruộng lúa triển khai thực hiện tại nhiều tỉnh ven biển vùng ÐBSCL như Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre… Nuôi tôm theo mô hình này, chi phí đầu tư khá thấp, chỉ tốn tiền con giống. Tôm thả nuôi mật độ thưa tận dụng các khoảng nước và thức ăn tự nhiên trên ruộng lúa không phải tốn tiền thức ăn. Giá thành nuôi tôm theo mô hình này khá thấp và sản lượng tôm đạt từ 300-600 kg/ha. Ðây là mô hình có nhiều lợi thế và triển vọng phát triển nhân rộng tại vùng ÐBSCL. Theo ông Lê Văn Nam ngụ xã Vĩnh Bình Nam, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, mô hình trồng lúa kết hợp với thả nuôi tôm càng xanh trên ruộng hiệu quả và giúp nông dân tăng cao thu nhập gấp 3-4 lần so với sản xuất độc canh cây lúa. Tôm nuôi trên ruộng lúa ăn thức ăn trong tự nhiên, chất lượng thịt rất ngon, giá bán không quá cao nên được thị trường
ưa chuộng.
Người dân tại các địa phương vùng phù sa ngọt như Cần Thơ, An Giang, Ðồng Tháp… phát triển nuôi tôm càng xanh rất thành công theo mô hình luân canh lúa - tôm trên ruộng lúa hay mô hình vuông tôm - ruộng lúa. Tùy điều kiện từng địa phương, nông dân có thể luân canh làm 1 vụ lúa và nuôi 1 vụ tôm/năm hoặc nuôi tôm liên tục nhiều vụ sau đó mới luân canh làm lúa. Nuôi tôm theo các mô hình này, nông dân thường nuôi với mật độ cao và phải cho ăn thêm các loại thức ăn tự chế và thức ăn công nghiệp nên giá thành nuôi tôm có thể lên đến 90.000-120.000 đồng/kg. Song, nhờ năng suất đạt cao, đến 1-1,5 tấn/ha, nông dân nuôi tôm càng xanh tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ cũng áp dụng giải pháp chọn giống tôm toàn đực để thả nuôi, thu hoạch tôm tỉa dần bán giá cao nên nông dân vẫn thu mức lời khá tốt. Trong các năm trước, nhờ tôm bán lên đến 200.000-220.000 đồng/kg (loại 20 con/kg), mỗi héc-ta nuôi tôm càng xanh nông dân có thể đạt lợi nhuận trên dưới 100 triệu đồng/vụ nuôi. Riêng những tháng qua, giá tôm có giảm thấp do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng nông dân dự đoán đây chỉ là tạm thời và giá tôm sẽ sớm tăng cao trở lại.
Ông Nguyễn Lê Chủng ngụ ấp Lân Quới, xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, cho biết: “Tôm càng xanh đực và cái có sự khác biệt rõ rệt về tốc độ sinh trưởng, kích cỡ khi thu hoạch, vì thế chọn tôm càng xanh toàn đực để thả nuôi giúp tăng năng suất, tận dụng thức ăn tối đa. Ðặc biệt, con tôm càng xanh đực thường có giá bán cao gấp đôi so với tôm càng xanh cái”. Theo ông Chủng, để giảm chi phí nuôi tôm và bán sản phẩm giá cao, ngoài việc chọn giống tôm toàn đực để nuôi, nông dân tại các ấp thuộc xã Thạnh Mỹ và thị trấn Vĩnh Thạnh còn áp dụng giải pháp cho tôm ăn thức ăn công nghiệp kết hợp với ăn giặm thêm các loại củ quả sẵn có tại địa phương như mì, bắp, dừa, chuối… Sau khoảng 6 tháng nuôi là bắt đầu tuyển những con tôm lớn thu hoạch dần đến khi kết thúc vụ tôm, với thời gian thường kéo dài trong khoảng 10 tháng. Cách làm này, không chỉ giúp nông dân bán tôm được giá tốt mà còn hạn chế tình trạng cạnh tranh về thức ăn giữa tôm lớn và tôm nhỏ.
Hiện nay, người dân còn phát triển nuôi tôm càng xanh theo mô hình chuyên canh trong ao, vuông và nuôi trong mương vườn cây rất hiệu quả.
Cần nhân rộng
PGS.TS Dương Nhựt Long, Giảng viên cao cấp Khoa Thủy sản, Trường Ðại học Cần Thơ, cho biết: “Trong điều kiện độ mặn lên đến 12 phần ngàn, thậm chí cao hơn, con tôm càng xanh vẫn thích ứng và phát triển tốt. Ðây là “ứng cử viên” thủy sản sáng giá để phát triển nuôi tại ÐBSCL nhằm thích ứng biến đổi khí hậu gắn với ổn định và nâng cao thu nhập cho nông dân. Vấn đề chính là có giải pháp giải quyết đầu ra sản phẩm. Làm sao để tôm càng xanh không chỉ được đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ trong nước mà phải được xuất khẩu. Nuôi tôm càng xanh theo hình thức chọn giống toàn đực hay giống thông thường gắn với ruộng lúa hay chuyên canh trong ao đều hiệu quả. Nông dân chỉ cần lưu ý, nếu chọn giống thông thường có lẫn lộn đực cái, trong giai đoạn chuẩn bị thả nuôi cần chịu khó dành diện tích mặt nước để ươm dưỡng trong khoảng 2,5-3 tháng, sau đó bóc tách loại bỏ những con tôm cái, như vậy chi phí có thể giảm hơn so với mua con giống toàn đực giá cao”.
Theo đánh giá của các chuyên gia, vùng ÐBSCL với diện tích đất sản xuất lúa trên dưới 4 triệu héc-ta, cùng các tiểu vùng sinh thái đa dạng là điều kiện rất thuận lợi để phát triển các mô hình nuôi tôm càng xanh theo hướng “thuận thiên”. Từng địa phương cần lựa chọn mô hình phù hợp và kịp thời tổ chức sản xuất, đầu tư hạ tầng, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho người dân để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm gắn với phát triển thị trường xuất khẩu cho con tôm càng xanh. Ðồng thời, có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng và giữa người nuôi với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để cân đối cung - cầu, đảm bảo có sản lượng tôm quanh năm và đạt các tiêu chuẩn, chất lượng để có thể xuất khẩu.
Con tôm càng xanh được nuôi tại các địa phương vùng ÐBSCL tập trung thu hoạch rộ vào các tháng 8, 9, 10, 11 và tôm chủ yếu tiêu thụ dạng tươi thô tại thị trường nội địa nên giá cả đầu ra sản phẩm còn bấp bênh. Theo PGS.TS Dương Nhựt Long, để phát triển bền vững con tôm càng xanh, đòi hỏi các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương và người dân vùng ÐBSCL phải hướng đến mục tiêu nuôi tôm càng xanh xuất khẩu. Ðồng thời, cần phải đầu tư cho khâu chế biến, bảo quản sản phẩm và phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương để tổ chức nuôi tôm quanh năm nhằm có sản phẩm liên tục. Chú trọng cải tiến kỹ thuật nuôi để nâng cao chất lượng và kích cỡ tôm. Nâng cao tỷ lệ tôm đạt từ 4-10 con/kg, chứ không chỉ tập trung ở kích cỡ 15-20 con/kg như hiện nay.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG