Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức diễn đàn trực tuyến chia sẻ thông tin, kết nối giao thương nông, lâm, thủy sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Diễn đàn đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích và tạo điều kiện giao lưu, kết nối giữa các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp để đẩy mạnh giao thương, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản bền vững.
Vùng ĐBSCL có nhiều sản phẩm lúa gạo và trái cây ngon tiêu thụ tại thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Trong ảnh: Nông sản đặc sản của TP Cần Thơ được trưng bày, giới thiệu tại một kỳ hội chợ tổ chức ở Cần Thơ.
Thị trường Hà Nội rộng mở
TP Hà Nội là 1 trong 2 trung tâm kinh tế và thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn hàng đầu của cả nước. Thủ đô Hà Nội có vị trí địa lý, chính trị quan trọng, là trung tâm kinh tế lớn nhất ở Bắc Bộ, với mạng lưới phân phối và tiêu thụ hàng hóa rộng lớn, nắm giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của vùng đồng bằng sông Hồng và các vùng miền trong cả nước. Các loại nông, lâm, thủy sản được sản xuất trên địa bàn Hà Nội hiện mới đáp ứng từ 30-65% so với nhu cầu, tùy mặt hàng. Ðể cân đối cung - cầu, đảm bảo nguồn hàng phục vụ thị trường, Hà Nội rất cần kết nối với các địa phương trong cả nước để đưa các loại nông, lâm, thủy sản từ các địa phương về quảng bá, tiêu thụ tại Hà Nội và ngược lại. Hà Nội cũng là nơi kết nối, cung ứng hàng hóa cho nhiều hệ thống phân phân phối, bán lẻ trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết: “Trong 10 tháng năm 2021, các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm Hà Nội hỗ trợ, kết nối tiêu thụ lượng hàng từ các tỉnh, thành với trên 220.000 tấn. Nhiều sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của các địa phương trong cả nước cũng được thành phố kết nối, đưa vào 35 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của TP Hà Nội. Ðồng thời, thành phố cũng tăng cường các hoạt động kết nối, đẩy mạnh bán hàng hóa thiết yếu thông qua các websie, sàn thương mại điện tử, hotline doanh nghiệp...”.
Theo Sở Công Thương TP Hà Hội, mỗi tháng thành phố cần một lượng nông sản, hàng hóa rất lớn để phục vụ nhu cầu của khoảng 10,3 triệu dân đang sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn. Theo đó, thành phố cần khoảng 92.970 tấn gạo các loại, thịt heo hơn 18.594 tấn, thịt bò khoảng 5.350 tấn, thịt gia cầm 6.198 tấn, trứng gia cầm 123,9 triệu quả. Thành phố cũng cần hơn 5.350 tấn thủy sản hải sản, trong đó Hà Nội hầu như chỉ nuôi thủy sản nước ngọt, còn thủy sản nước lợ và mặn phải lấy nguồn hàng từ các tỉnh, thành khác. Người dân thủ đô có nhu cầu tiêu thụ hơn 5.165 tấn thực phẩm chế biến, 103.300 tấn rau củ, hơn 52.000 tấn trái cây, trong khi khả năng tự cung ứng trái cây chỉ đáp ứng khoảng 28,8%.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Hội, nhu cầu các loại nông sản phục vụ cho thị trường Hà Nội dự báo sẽ ở mức cao hơn rất nhiều so với hiện nay khi bước vào dịp Tết Nguyên đán 2022. Tuy nhiên, giá một số mặt hàng thiết yếu như thịt heo, gia cầm và một số loại thủy sản bị giảm thấp, người dân không mặn mà tái đàn nên nguồn cung có thể sẽ gặp khó... Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết và rất mong sở công thương và sở NN&PTNT các tỉnh, thành phối hợp triển khai, kết nối cung - cầu, đẩy mạnh giao thương, giới thiệu sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền, sản phẩm chất lượng cao để kết nối tiêu thụ với Hà Nội. Qua đó, góp phần tạo thuận lợi cho người dân tiêu thụ sản phẩm và an tâm phát triển sản xuất.
Liên kết, cung ứng
ÐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp chủ lực của cả nước, các sản phẩm nông sản của vùng rất đa dạng về chủng loại từ các mặt hàng tươi sống đến chế biến, cùng nhiều sản phẩm đặc sản làng nghề và sản phẩm được chứng nhận OCOP có thể đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường Hà Nội. Vấn đề đặt ra là các địa phương cần tăng cường phối hợp, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết, cung ứng sản phẩm cho thị trường Hà Nội, trong đó chú ý sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, an toàn và cần tập trung trước tiên cho những loại nông sản ngon, đặc sản.
Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Sóc Trăng có 139 sản phẩm OCOP và nhiều sản phẩm đặc sản và nông sản chất lượng, an toàn có tiềm năng đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường Hà Nội như bánh pía, lạp xưởng, gạo thơm ST, hành tím, tôm nước lợ, các loại trái ngon như xoài, bưởi, nhãn, vú sữa… Tỉnh rất mong các địa phương và Hà Nội tăng cường liên kết, hỗ trợ nhau bằng nhiều hình thức để thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Ðồng thời, Bộ NN&PTNT giữ vai trò điều phối, chỉ đạo để thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển sản xuất nông nghiệp để điều tiết sản phẩm, cân đối cung - cầu hợp lý, tránh sản xuất tự phát không tiêu thụ được sản phẩm”.
Với hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, tỉnh Kiên Giang có nhiều loại lúa gạo thơm ngon, trái cây đặc sản và thủy hải sản được nuôi trồng rải vụ và đánh bắt quanh năm có thể đưa ra tiêu thụ tại thị trường Hà Nội. Hiện tỉnh cũng có 75 sản phẩm OCOP và nhiều sản phẩm đặc sản làng nghề, điển hình như tiêu, nước mắm Phú Quốc. Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Kiên Giang và nhiều tỉnh, thành vùng ÐBSCL chủ yếu tập trung giới thiệu và cung ứng các loại nông sản cho thị trường TP Hồ Chí Minh, chứ chưa kết nối, đưa sản phẩm ra thị trường Hà Nội nhiều. Kiên Giang rất mong liên kết giữa địa phương và đơn vị, doanh nghiệp để giới thiệu và cung ứng nông sản của tỉnh đến người tiêu dùng thủ đô. Kiên Giang mong thu hút nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đến địa phương để đầu tư liên kết với nông dân hình thành các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản bền vững, giá trị sản phẩm được nâng cao”.
Diễn đàn “Chia sẻ thông tin, kết nối giao thương nông, lâm thủy sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố” là phiên thứ 8 do Tổ điều hành Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản 970 thuộc Ban Chỉ đạo Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT tổ chức. Từ những diễn đàn này đã có hàng trăm hợp đồng, thỏa thuận, hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã được ký kết và hình thành được nhiều chuỗi liên kết nông sản. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, diễn đàn đã khẳng định được vị trí, vai trò kết nối giao thương nông sản giữa các tỉnh, thành trong nước và cung cấp thông tin cần thiết cho các cơ quan, cán bộ quản lý, chỉ đạo sản xuất của bộ ngành Trung ương và địa phương. Để phát huy những kết quả đạt được và thúc đẩy tiêu thụ nông sản, các địa phương cần chú trọng nâng cao chất lượng nông sản và nắm rõ các đầu mối cung cấp hàng để kết nối cung - cầu, đảm bảo các yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm…
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG