Thu hoạch lúa, đề phòng dông sét

Thời điểm nông dân tập trung thu hoạch lúa đông xuân, giảm thiệt hại cũng là lúc họ đối diện với nguy cơ bị sét đánh.

Nông dân Quảng Điền tích cực thu hoạch lúa đông xuân

Đề phòng dông sét

Mới đây vào chiều ngày 14/5, anh Phan Lương Nh. (SN 1998, trú tại thôn Thủ Lễ 2, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền), khi đang đi thu hoạch, vận chuyển lúa ngoài đồng thì bị sét đánh tử vong. Sau vụ việc, địa phương, người dân thôn xóm đã tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình người bị nạn.

Hàng năm, cứ đến tháng 5-6, nông dân thu hoạch vụ đông xuân, chuẩn bị cày lật đất triển khai vụ hè thu đều đối diện nguy cơ sét đánh do làm việc, vận chuyển nông sản trên đồng ruộng, đường làng. Thống kê từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn đã có hơn 10 vụ sét đánh gây thương vong cho người, gia súc trên đồng ruộng.

Ông Phan Tỵ (Phú Thanh, TP. Huế) cho biết, thông thường vào tháng 5, 6 nông dân ra đồng với nhiều thiết bị kim loại như máy cày, liềm và phương tiện xe máy rất dễ gặp dông sét. Để đề phòng, khoảng trời chiều nếu xuất hiện dông sét, trời âm u thường phải nghỉ làm. Công việc đồng áng tiến hành tất bật, nông dân tranh thủ, không tụm 5 tụm 3 khi trời mưa và tránh trú ở các gốc cây, gần các vật kim loại dễ “bắt” sét. 

Tính từ chiều 14/5, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa rào và dông, sét, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Theo dự báo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, do ảnh hưởng của không khí lạnh nén rãnh thấp nên từ chiều tối và đêm ngày 15/5 đến ngày 17/5, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một đợt mưa dông trên diện rộng, rải rác mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to, mưa rất to. Trong cơn dông, cần đề phòng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, lũ quét tại các khe suối. Tổng hợp mưa cả đợt phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 150mm.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh thông tin, hiện nay, người dân đang ra đồng để khẩn trương thu hoạch lúa vụ đông xuân với các dụng cụ dễ bắt điện như liềm gặt lúa, các phương tiện cơ giới. Để ứng phó với thời tiết xấu, thường xuất hiện dông sét vào mỗi buổi chiều, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền phòng tránh sét cho người dân qua hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở.

“Hàng ngày, sau khi nhận được các bản tin cảnh báo từ Đài khí tượng Thủy văn tỉnh, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã chuyển tiếp thông tin cho Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương để chủ động thông tin kịp thời cho người dân trong việc ứng phó với các loại hình thiên tai như lốc, sét. Đồng thời, yêu cầu các địa phương sử dụng hệ thống loa truyền thanh cơ sở để truyền tải các bản tin dự báo, cảnh báo dông, lốc, sét, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng, chống dông, sét đến với người dân trên địa bàn”,  ông Hùng khẳng định.

Người dân thu hoạch lúa đông xuân trong giai đoạn hiện nay cần đề phòng dông sét

Thu hoạch nhanh gọn

Tính đến thời điểm ngày 15/5, vẫn còn hơn 8.000ha lúa (trên tổng số hơn 28 nghìn ha toàn tỉnh) chưa thu hoạch. Ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương bố trí máy cơ giới, nhân lực, vận động nông dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa đông xuân nhằm giảm thiệt hại do thời tiết cực đoan và triển khai huy động tối đa công suất máy cày chuẩn bị triển khai vụ hè thu. Cụ thể, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các địa phương vận động Nhân dân thu hoạch nhanh gọn lúa đông xuân 2021-2022. Đến ngày 15/5, diện tích lúa thu hoạch toàn tỉnh ước khoảng 20.000ha. Còn lại khoảng 8.190ha dự kiến đến ngày 20/5 diện tích thu hoạch còn lại khoảng 2.000ha.

Ông Lê Văn Anh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thông tin, để đảm bảo thu hoạch nhanh, gọn lúa vụ đông xuân 2021-2022, đồng thời triển khai gieo, cấy vụ hè thu 2022 đúng khung lịch thời vụ, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các địa phương đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, đặc biệt đối với diện tích lúa có tỷ lệ hạt chín trên bông > 85%, tiến hành thu hoạch sớm, với phương châm xanh nhà hơn già đồng để hạn chế thiệt hại. Báo cáo tiến độ thu hoạch cây lúa theo từng mốc thời gian cụ thể (cập nhật 5 ngày 1 lần) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Về tiếp nhận và phân bổ hạt giống lúa tạm cấp từ nguồn giống dự trữ quốc gia, trên cơ sở phân bổ từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, các địa phương chủ động liên hệ với Công ty CP Giống Cây trồng Việt Nam và Công ty CP Giống Cây trồng - vật nuôi tỉnh để tiếp nhận và cấp phát kịp thời hạt giống đến người dân đảm bảo đủ số lượng, chất lượng nguồn giống, gieo trồng kịp thời vụ.

Các địa phương tiến hành thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại tương ứng với từng trà lúa để có cơ sở hỗ trợ, đánh giá thiệt hại theo các mức 30%-70% và trên 70% theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Tiếp nhận và phân bổ chế phẩm sinh học do Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời hỗ trợ để xử lý rơm rạ sau thu hoạch, hạn chế ngộ độc hữu cơ khi gieo sạ lúa vụ hè thu 2022.

Sở NN&PTNT yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 17/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh. Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa (máy cuộn rơm,…) trong việc thu gom, vận chuyển rơm rạ. Khuyến cáo việc ứng dụng các chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

Nguồn: https://baothuathienhue.vn/thu-hoach-lua-de-phong-dong-set-a113096.html
Tags: Thu hoạch
Tin liên quan
Chưa có thông tin
  • :
  • :