Tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho na hoàng hậu

Hiện đã vào chính vụ thu hoạch na hoàng hậu - một loại trái cây cho giá trị rất cao của tỉnh Sơn La, song cả thị trường và giá bán sản phẩm này đều đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.

Na hoàng hậu gặp khó đầu ra

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, anh Bùi Văn Lộc - Giám đốc HTX Xây dựng và Nông nghiệp Bảo Khánh - huyện Mai Sơn - tỉnh Sơn La cho biết, mỗi năm, lượng tiêu thụ của Hà Nội vào khoảng 40% tổng lượng na bán ra của hợp tác xã. Song năm nay, do thực hiện giãn cách kéo dài, xe khó vào thủ đô nên lượng tiêu thụ chỉ vào khoảng 20%. Giá bán cũng giảm chỉ còn khoảng 55.000 đồng/kg, thấp hơn các năm trước khoảng 15.000 đồng.

“Năm nay, hợp tác xã Bảo Khánh dự kiến thu hoạch khoảng 600 tấn, nhưng đến nay mới tiêu thụ được khoảng 400 tấn đến các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ…” - anh Lộc cho hay.

Na hoàng hậu hay còn gọi là na nữ hoàng, na Thái Lan có ưu điểm sinh trưởng, phát triển tốt, có khả năng kháng bệnh, chịu úng, chịu hạn cao, phù hợp với nhiều loại đất và khí hậu, cho năng suất cao. Na ít hạt, ít bị nứt vỡ khi chín, vị ngọt thơm đặc trưng nên có giá bán cao gấp 3 lần na thường.

Tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho na hoàng hậu
Na hoàng hậu cho giá trị kinh tế cao

Trọng lượng mỗi quả trung bình từ 6 lạng đến 1 kg. Giống na này cho thu hoạch sau khi trồng được 3 năm. Tùy vào việc chăm sóc, mỗi cây cho thu từ 30 - 60 kg quả. Đây được đánh giá là một trong những cây trồng thoát nghèo của người dân tỉnh Sơn La. Những năm trước đây, hầu hết sản phẩm na hoàng hậu của nông dân Mai Sơn chỉ cung cấp tới các siêu thị lớn, không đủ để bán lẻ, với giá bán buôn từ 70.000 – 120.000 đồng/kg.

Có giá trị kinh tế là vậy, song năm nay tiêu thụ na nữ hoàng đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh. Theo thống kê của UBND huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La), tổng sản lượng na tiêu thụ từ 01/8/2021 - 10/8/2021 trên địa bàn huyện đạt 594 tấn, lũy kế từ đầu vụ đến 10/8/2021 đạt 594 tấn (chủ yếu là tiêu thụ nội địa), giá trị ước đạt 23 tỷ đồng. Trong đó giá bán na hoàng hậu loại I từ 50 - 60 nghìn đồng/kg, loại II từ 40 - 50 nghìn đồng/kg. Sản lượng na còn lại cần kết nối tiêu thụ dự kiến là 1.597 tấn, gồm cả na nữ hoàng và na dai.

Dịch bệnh Covid-19 diễn ra ngày càng phức tạp, làm ảnh hưởng lớn tới việc xuất khẩu và tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực của huyện Mai Sơn, trong đó có quả na hoàng hậu. Cụ thể, tình hình dịch bệnh làm giảm sức mua của thị trường trong nước đối với các sản phẩm quả của huyện; nhiều địa phương trong cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội theo khu vực hoặc toàn tỉnh nên ảnh hưởng đến việc vận chuyển nông sản đi tiêu thụ. Chưa kêr, sức tiêu thụ tại thị trường trong nước giảm mạnh khi một số siêu thị, chợ đầu mối tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... phải đóng cửa thực hiện giãn cách xã hội theo quy định tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

“Không chỉ khó khăn trong vận chuyển, chi phí xét nghiệm Covid-19 cho lái xe cũng phần nào ảnh hưởng đến giá thành na năm nay”, anh Bùi Văn Lộc chỉ rõ.

Đa dạng giải pháp tìm đầu ra

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, anh Bùi Văn Lộc cho biết, năm nay do dịch bệnh nên các giải pháp xúc tiến thương mại do nhà nước tổ chức sẽ khó triển khai. Do đó, hợp tác xã đã chủ động xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm. Hợp tác xã chỉ mong muốn lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện tạo điều kiện cho hợp tác xã có một kho hàng để thuận tiện hơn trong đóng gói, bảo quản sản phẩm.

Về phía UBND huyện Mai Sơn, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn, huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản năm 2021. Tiếp tục triển khai hiệu quả Quyết định số 1818/QĐ-UBND ngày 28/7/2021 của UBND tỉnh Sơn La về việc quy định nội dung và mức hỗ trợ đầu tư các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nông sản năm 2021.

Bên cạnh đó, tiếp tục tiếp nhận và thông tin về thị trường nông sản đến các doanh nghiệp, hợp tác xã trong huyện biết và định hướng sản xuất, thu hoạch sản phẩm. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu ngoài tỉnh đến khảo sát, kết nối tiêu thụ trong điều kiện đảm bảo các quy định về phòng chống dịch Covid-19.

Huyện cũng đồng thời khuyến khích, vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sử dụng các mạng Facebook, Zalo, livestream… để quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội trên địa bàn chung tay hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản bằng các hoạt động cụ thể. Ngoài ra, tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội huyện và người dân trên địa bàn huyện ưu tiên lựa chọn sử dụng các sản phẩm hàng hóa nông sản của huyện Mai Sơn.

Bảo Ngọc

 

Tác giả: Bảo Ngọc
Nguồn: https://congthuong.vn/thao-go-kho-khan-ve-dau-ra-cho-na-hoang-hau-162872.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin
  • :
  • :