Tập trung các giải pháp thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp

 Nhằm phát huy các tiềm năng sẵn có, huyện Tân Hồng triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.


Huyện Tân Hồng tập trung phát triển các mô hình chuyển đổi canh tác trên đất lúa sang trồng hoa màu, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế

Theo UBND huyện Tân Hồng, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm và chọn 3 ngành hàng chủ lực có lợi thế cạnh tranh là sản xuất lúa gạo, chăn nuôi bò thương phẩm và cá tra. Trong đó, địa phương tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng địa phương và nhu cầu của thị trường, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cao về giống, công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời tập trung đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh tế tập thể. Đến nay, toàn huyện có 11 hợp tác xã nông nghiệp, với tổng số 1.210 thành viên. Ngành nghề kinh doanh chủ yếu là dịch vụ bơm tưới, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Là một trong những hoạt động trọng tâm, huyện Tân Hồng còn tập trung khuyến khích, phát triển mô hình hội quán. Hiện nay, trên địa bàn huyện hiện có 9 hội quán, với tổng số 519 thành viên. Đến nay, tất cả các hội quán đều tổ chức tốt việc sinh hoạt định kỳ để triển khai kịp thời đến các thành viên những chính sách của Nhà nước về an sinh xã hội, hỗ trợ trong sản xuất, các kế hoạch định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, Ban Chủ nhiệm hội quán còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn ngành huyện, các chuyên gia, nhà khoa học hỗ trợ các thành viên hội quán định hướng phát triển trong sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ phù hợp với điều kiện thực tế.

Thời gian qua, huyện Tân Hồng tập trung triển khai thực hiện cánh đồng trọng điểm giai đoạn 2021-2025. Huyện tập trung đầu tư các hệ thống đê bao, cống đập, đường nội đồng, trạm bơm đảm bảo phục vụ nhu cầu canh tác theo hướng hiện đại trên 2 cánh đồng trọng điểm. Trong vụ hè thu 2021, huyện cũng triển khai mô hình sản xuất lúa theo chuỗi giá trị ứng dụng cơ giới hóa trên cánh đồng trọng điểm với diện tích 111ha/43 hộ nông dân. Nông dân khi tham gia mô hình thực hiện tốt việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), chỉ sử dụng thuốc khi thật sự cần thiết, khi dịch hại đến ngưỡng phòng trừ và theo nguyên tắc “4 đúng”. Ngoài ra, tất cả diện tích tham gia mô hình đều phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái. Bước đầu, nhận thức của nông dân ngày càng nâng cao trong sản xuất theo hướng an toàn, sạch.

Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung triển khai có hiệu quả công tác khuyến nông - chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Trong năm 2021, triển khai thực hiện 11 mô hình khuyến nông từ nguồn vốn sự nghiệp nông lâm thủy lợi. Nổi bật là các mô hình cấy lúa ứng dụng cơ giới hóa; sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất lúa an toàn; sản xuất lúa theo chuỗi giá trị, ứng dụng cơ giới hóa trên cánh đồng trọng điểm; nuôi ốc bươu đen... Việc thực hiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa ổn định, toàn huyện có 154 máy gặt đập liên hợp, 393 máy xới tay, 364 máy cày, 3 máy cấy, 232 công cụ sạ hàng, 5.728 máy phun thuốc trừ sâu có động cơ... góp phần nâng cao chuỗi giá trị ngành nông nghiệp.


Huyện Tân Hồng đẩy mạnh áp dụng biện pháp cơ giới hóa vào sản xuất

Để tạo hiệu ứng lan tỏa trong ngành nông nghiệp, ông Huỳnh Văn Nhã - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hồng cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tập trung củng cố, kiện toàn hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Tái cơ cấu ngành nông nghiệp các cấp. Cùng với đó, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt; phát triển sản phẩm OCOP trên cơ sở sản phẩm hiện có, sản phẩm tiềm năng mang tính cộng đồng và chất lượng tốt để góp phần phát triển kinh tế nông thôn và bảo tồn những giá trị truyền thống, bản địa tốt đẹp của địa phương. Huyện cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP; xây dựng, phát triển mô hình nông nghiệp an toàn gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm; xây dựng kế họach bố trí lịch thời vụ cho từng vụ sản xuất...

Bên cạnh đó, địa phương thường xuyên tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm những mô hình kinh tế hiệu quả và liên hệ tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã trên tất cả các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực để thực hiện tốt vai trò tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng; thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phải đảm bảo tính bền vững...

KHÁNH PHAN

Nguồn: http://baodongthap.com.vn/kinh-te/tap-trung-cac-giai-phap-thuc-hien-de-an-tai-co-cau-nong-nghiep-103654.aspx
  • :
  • :