Phó Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh Lê Thuận Trung cho biết, từ nguồn hỗ trợ của Trung ương và địa phương, nhiều năm qua, trung tâm đã thực hiện hỗ trợ nhiều mô hình sinh kế cho người dân ở các vùng khó khăn, ĐBDTTS. Trên cơ sở điều kiện tự nhiên của từng địa phương và nhu cầu của người dân, trung tâm thực hiện hỗ trợ các mô hình chăn nuôi, trồng trọt và trồng cây ăn quả nhằm giúp cho các hộ dân tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi và từng bước phát triển kinh tế hộ theo hướng bền vững.
Năm 2024, tại xã Tân Trạch (Bố Trạch), trung tâm đã thực hiện mô hình chăn nuôi bò sinh sản tại 4 hộ với quy mô 4 con bò cái hậu bị 50% máu lai Zebu. Trong quá trình thực hiện mô hình, trung tâm đã hỗ trợ thức ăn hỗn hợp cho bò giai đoạn đầu và cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn các hộ tận dụng nguyên vật liệu sẵn có để xây chuồng trại, thực hiện tiêu độc khử trùng chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi; hướng dẫn cách chăm sóc, nuôi dưỡng, che chắn chuồng trại khi mưa gió, công tác phòng bệnh thú y và theo dõi để phối giống đúng thời điểm.
Là một trong 4 hộ nghèo của xã Tân Trạch được hỗ trợ nuôi bò sinh sản, ông Đinh Sầu, ở bản 39 phấn khởi cho biết: Gia đình tôi quá khó khăn nên không đủ điều kiện mua bò về nuôi. Khi được Nhà nước hỗ trợ một con bò sinh sản, gia đình tôi mừng lắm. Đây là tài sản lớn của gia đình, do đó, để bò phát triển tốt và sinh sản ra bê con, tôi đã trồng thêm cỏ chăn nuôi. Tôi sẽ chăm sóc tốt để bò tăng đàn trong thời gian tới.
Mô hình đã giúp cho các hộ dân vùng ĐBDTTS tiếp cận được các tiến bộ kỹ thuật mới về chăn nuôi bò sinh sản. Từ đó, làm thay đổi nhận thức và thực hành của các hộ chăn nuôi nói chung và ĐBDTTS nói riêng từ tập quán chăn nuôi truyền thống “thả rông thuận theo tự nhiên” sang chăn nuôi áp dụng kỹ thuật, có đầu tư chuồng trại, thức ăn, có quản lý và phòng bệnh cho vật nuôi.
Tận dụng lợi thế về diện tích rừng nguyên sinh lớn trên địa bàn, mô hình sinh kế nuôi ong lấy mật thực hiện tại xã Thượng Hóa (Minh Hóa) được trung tâm triển khai thực hiện từ tháng 6/2024 đến nay đã mang lại kết quả bước đầu. Mô hình có quy mô 66 đàn ong tại 5 hộ, mỗi hộ nuôi từ 12-15 đàn, giống ong nội địa Apis Cerana đạt yêu cầu đàn có từ 3 cầu quân trở lên, ong trưởng thành phủ kín 2 mặt cầu, cầu ong có cả trứng, ấu trùng và nhộng... Các hộ được hỗ trợ 100% giống và vật tư nuôi ong. Sau gần 6 tháng thực hiện, các hộ đã thực hiện quay mật 4-5 lần, tổng khối lượng mật quay được gần 700kg. Từ các đàn ong gốc, các hộ nuôi đã chia thêm được 7 đàn để mở rộng số lượng đàn ong.
“Từ nguồn hỗ trợ của Trung ương và địa phương, trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí để tiếp tục thực hiện nhiều mô hình sinh kế cho bà con vùng ĐBDTTS, phát huy hiệu quả của mô hình đã thực hiện và phát triển kinh tế trên các địa bàn khó khăn”, ông Lê Thuận Trung cho biết thêm. |
Mô hình nuôi ong lấy mật triển khai đã giúp người dân chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp phù hợp với điều kiện khí hậu, thích ứng biến đổi khí hậu; thay đổi tập quán truyền thống kém hiệu quả sang đầu tư thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật về nuôi vật nuôi chất lượng cao mang lại giá trị kinh tế. Mô hình tạo sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập ổn định cho người dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương, chuyển đổi nhận thức trong sản xuất nông nghiệp truyền thống, chú trọng bảo vệ môi trường, bảo vệ sinh thái rừng.
Bên cạnh các mô hình chăn nuôi, các mô hình trồng trọt cũng đã được trung tâm thực hiện, như: Mô hình trồng bưởi da xanh được triển khai thực hiện tại xã Kim Thủy (Lệ Thủy) với quy mô 1,7ha; mô hình trồng khoai sọ với quy mô diện tích 1ha tại xã Thượng Trạch (Bố Trạch); hỗ trợ giống mít ruột đỏ cho người dân cụm bản Lẳng Khăng, huyện Bua-lạ-pha, tỉnh Khăm Muồn (Lào) 500 cây và xã Dân Hóa (Minh Hóa) 500 cây… Hiện, các mô hình đang được các hộ thực hiện chăm sóc, theo dõi theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.
Theo ông Lê Thuận Trung, các mô hình đã giúp cho các hộ nông dân vùng ĐBDTTS tiếp cận được các tiến bộ kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi. Tuy nhiên, việc hỗ trợ thực hiện mô hình còn gặp nhiều khó khăn: Các hộ thực hiện mô hình đa số là người dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn, trình độ dân trí thấp nên việc tiếp cận cũng như áp dụng kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; các mô hình thực hiện đa số tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa nên khó khăn trong việc đi lại, theo dõi mô hình…