Tận dụng thời cơ đưa ngành lúa gạo tăng tốc 

Chỉ 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo tăng trưởng ấn tượng về khối lượng lẫn giá trị khi mang về khoảng 2,3 tỉ USD. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ gạo trên thế giới rất lớn, đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu nhằm đạt mục tiêu cả năm 2023 xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo, giá trị khoảng 4 tỉ USD.

 

Thu hoạch lúa hè thu ở ÐBSCL trong niềm vui được giá và dễ tiêu thụ.

Nông dân đảm bảo lợi nhuận

Vào cao điểm thu hoạch lúa hè thu năm 2023 trong điều kiện giá tăng và dễ tiêu thụ nên nhiều nông dân ở Hậu Giang phấn khởi. Chị Nguyễn Thị Trang, ngụ huyện Châu Thành A, cho biết: "Lúa cắt tới đâu là thương lái đưa ghe đến cân ngay tại ruộng và trả tiền liền nên nông dân rất vui. Gần 2ha lúa của gia đình vừa thu hoạch với năng suất 6,3 tấn/ha, bán tại ruộng 6.600 đồng/kg, đảm bảo lợi nhuận tốt…". Theo Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, vụ hè thu này bà con xuống giống 75.200ha (vượt kế hoạch 700ha), đã thu hoạch hơn 52.000ha. Nhờ thị trường lúa gạo sôi động nên bà con khi thu hoạch xong lúa hè thu là vệ sinh đồng ruộng, làm đất… gieo sạ tiếp vụ lúa thu đông, đến nay có hơn 16.000ha lúa được gieo sạ.

Tại Ðồng Tháp, nhiều nông dân vui mừng khi giá lúa cao và thương lái ráo riết tìm mua để cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Ông Cao Thọ Trường, ngụ xã Bình Thành (huyện Lấp Vò), bộc bạch: "Hơn 2ha lúa được thương lái mua tại ruộng với giá 6.800 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi 25 triệu đồng/ha. Vụ hè thu mà lãi như vầy là tốt rồi". Theo ông Nguyễn Văn Ðời, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (huyện Lấp Vò), vụ này khoảng 900ha đất lúa của HTX được sản xuất giống chất lượng cao hơn 90%; năng suất 6,2-6,5 tấn/ha; giá bán từ 6.600-6.800 đồng/kg. Thêm thuận lợi là giá phân bón giảm mạnh (từ 20-40% tùy loại), nhờ đó chi phí đầu tư giảm, trong khi giá bán lúa lại tăng, nên bà con đạt lợi nhuận 25-30 triệu đồng/ha. "Hiện thị trường tiêu thụ gạo trên thế giới đang mạnh, giá cao và nhiều triển vọng; do đó HTX vừa động viên xã viên tích cực chăm sóc lúa thu đông thật tốt với mục tiêu "được mùa, được giá". Nhiều khả năng 2023 sẽ là năm "được mùa, được giá" cho cả 3 vụ lúa đông xuân, hè thu và thu đông", ông Nguyễn Văn Ðời kỳ vọng.

Ðưa chúng tôi ra thăm cánh đồng lúa thu đông gieo sạ hơn một tháng tuổi, chị Lâm Thị Út, ngụ xã Ðông Bình (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ), cho hay: "Mấy ngày qua nhiều thương lái đặt cọc trước để mua lúa thu đông với giá bình quân 6.700 đồng/kg; mức này là rất cao so với những vụ trước, giúp nông dân cầm chắc lợi nhuận  25-30 triệu đồng/ha trở lên". Theo Bộ NN&PTNT, vụ hè thu năm 2023 toàn vùng ÐBSCL sản xuất khoảng 1,47 triệu héc-ta lúa, đã thu hoạch khoảng 40%. Ðối với vụ thu đông kế hoạch gieo sạ 700.000ha và nông dân đã xuống giống khoảng 250.000ha…

Tiếp vốn để tăng xuất khẩu gạo

Nếu như nông dân ÐBSCL tích cực sản xuất lúa hàng hóa thì nhiều doanh nghiệp cũng tất bật thu mua, lau bóng gạo phục vụ xuất khẩu. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện nay xuất khẩu gạo đang rất thuận lợi, đặc biệt là những tháng cuối năm, nhờ thị trường lớn như Trung Quốc, Philippines, Malaysia… dự báo tăng việc mua gạo. Ðối với Indonesia cũng tiếp tục mở thầu 300.000 tấn và còn mua thêm; như vậy giá gạo các nước sẽ tăng.

Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết, toàn tỉnh có 25 doanh nghiệp xuất khẩu gạo, trong 6 tháng đầu năm 2023 đã xuất hơn 353.000 tấn, giá trị khoảng 183 triệu USD (tăng 27,23% về lượng và 30% về giá trị so cùng kỳ năm trước); giá xuất khẩu bình quân đạt 517 USD/tấn, tăng 8 USD/tấn. Ông Nguyễn Nhựt Quang, Phó Giám đốc Công ty Hoàng Gia Nhựt Quang (Long An), phấn khởi với kết quả xuất khẩu gạo những tháng đầu năm, khi công ty xuất hơn 10.000 tấn gạo, tăng khoảng 2.000 tấn và giá tăng từ 10-20 USD/tấn so cùng kỳ. Tới đây, cần ngân hàng hỗ trợ nguồn vốn để doanh nghiệp thu mua kịp thời lúa cho nông dân và tận dụng cơ hội gia tăng xuất khẩu…

Cũng liên quan về thiếu vốn, lãi suất cao... Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), tiết lộ: "Chúng tôi đang liên kết với nông dân các tỉnh ÐBSCL sản xuất khoảng 10.000ha lúa cánh đồng lớn theo tiêu chuẩn, nhằm xuất vào những thị trường khó tính. Giá trị của mô hình liên kết này khá lớn bởi gạo tiêu chuẩn được bán rất cao từ 500-1.500 USD/tấn; song doanh nghiệp vẫn luôn cần hàng trăm tỉ đồng mỗi vụ để mua lúa cho nông dân, vấn đề này rất cần ngân hàng giúp sức. Song, thực tế sự "đồng hành" của ngân hàng trong xây dựng cánh đồng lớn, thu mua lúa, xuất khẩu gạo vẫn còn hạn chế…". Một doanh nghiệp chuyên sản xuất gạo thơm, gạo chất lượng cao xuất khẩu ở TP Cần Thơ nói thêm, ngoài lãi suất cao thì việc tiếp cận vốn còn khó. Hiện chúng tôi cần thu mua 10.000 tấn gạo thì phải có từ 200 tỉ đồng. Doanh nghiệp cần vay và ngân hàng cũng muốn cho vay, nhưng nếu doanh nghiệp không đáp ứng được các tiêu chí theo quy định của ngân hàng thì không thể cấp tín dụng hay tăng hạn mức được…

Lãnh đạo Sở Công Thương TP Cần Thơ nhìn nhận, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh xay xát, chế biến và lau bóng gạo đang gặp một số khó khăn, đặc biệt là tiếp cận vốn, ký các hợp đồng vay để thu mua lúa của nông dân. Sở Công Thương đang ghi nhận để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sớm giải quyết, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu gạo, bởi đây là lĩnh vực quan trọng theo chỉ đạo của Chính phủ và của TP Cần Thơ.

Trước nhu cầu thế giới về gạo đang cao, trong khi các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng lúa gạo và gia tăng xuất khẩu… Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ sớm trao đổi với Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan để có cuộc họp nhằm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ thị trường hiện nay.

Nguồn: https://baocantho.com.vn/tan-dung-thoi-co-dua-nganh-lua-gao-tang-toc-a162561.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin
  • :
  • :