Nông dân trên địa bàn TP Cần Thơ sử dụng rơm và tận dụng các khoảng đất trống để trồng nấm rơm, gia tăng thu nhập.
Nâng cao thu nhập từ rơm rạ
Ðốt bỏ rơm rạ trên đồng vừa lãng phí, vừa tạo ra khói bụi gây ảnh hưởng xấu cho môi trường, nhiều nông dân đã thu gom rơm rạ để trồng nấm rơm. Anh Ngô Thanh Lượm, ngụ phường Thới An Ðông, quận Bình Thủy, cho biết: "Rơm sau các mùa thu hoạch lúa đều được gia đình tôi và các hộ dân tại địa phương thu gom hết ra khỏi đồng để trồng nấm rơm. Không chỉ tận dụng nguồn rơm rạ và các diện tích đất trống sẵn có tại địa phương để trồng nấm, nhiều hộ dân trên địa bàn phường Thới An Ðông, quận Bình Thủy còn thuê mướn thêm đất và mua rơm từ nhiều nơi sản xuất nấm rơm quanh năm".
Rơm còn là nguồn phân hữu cơ dồi dào, dùng che đậy, giữ ẩm cho đất, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất cho nhiều loại cây trồng: rau màu, cây ăn trái, hoa kiểng. Ðây cũng là nguồn thức ăn có thể trữ lâu dành cho trâu bò. Bên cạnh đó, rơm rạ còn để che chắn, bảo vệ trái cây khi vận chuyển đi xa hay sử dụng trong một số lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, dùng làm hàng thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng... Ông Nguyễn Văn Cư, ngụ phường Trung Nhứt, quận Thốt Nốt, cũng cho biết: "Nhiều phường ở quận Thốt Nốt đã phát triển khá mạnh nghề trồng nấm rơm với nhiều hộ dân tham gia sản xuất nấm rơm quanh năm như Tân Hưng, Thuận Hưng, Trung Kiên, Trung Nhứt... Do vậy, tôi và hầu hết các hộ dân sản xuất lúa tại địa phương không đốt hay bỏ rơm rạ trên đồng, mà thu gom trồng nấm rơm hoặc bán cho những hộ dân có cầu sử dụng. Ngoài trồng nấm, rơm còn phục vụ làm thức ăn cho trâu bò, làm đệm lót trái cây và phân bón hữu cơ phục vụ trồng trọt...". Hiện nay, nhờ có các máy cuốn rơm đa năng có khả năng vừa hút rơm và cuốn lại cuộn đưa lên thùng xe để chở vào tận bờ ruộng nên việc thu gom rơm cũng khá dễ dàng và nhanh nhóng. Giá thuê máy để thu gom rơm tại nhiều nơi ở mức 9.000-10.000 đồng/cuộn và mỗi công lúa có thể thu gom được khoảng 14-16 cuộn rơm. Theo nông dân trồng nấm rơm, thời gian chất mỗi vụ nấm rơm chỉ mất khoảng 1 tháng và mỗi cuộn rơm có thể cho năng suất nấm đạt 1-2kg. Giá trị kinh tế mang lại từ việc trồng nấm rơm là rất lớn bởi nấm rơm bán được giá cao, với nhiều thời điểm nấm loại 1 (nấm tròn) được nông dân bán với giá 50.000-65.000 đồng/kg. Rơm sau chất nấm tiếp tục được tái sử dụng để làm "giá thể" trồng hoa kiểng và làm phân hữu cơ phục vụ bón rất tốt cho nhiều loại cây trồng.
Phát huy giá trị rơm rạ
Nguồn rơm rạ từ sản xuất lúa ở TP Cần Thơ và nhiều tỉnh ÐBSCL rất lớn và có quanh năm do phát triển sản xuất lúa 3 vụ trong năm. Chỉ riêng đối với TP Cần Thơ, với sản lượng lúa trên 1,3 triệu tấn/năm, thành phố đã có số lượng rơm rạ tương đương 1,3 triệu tấn/năm. Ðây là nguồn tài nguyên rất lớn phục vụ làm nguyên liệu đầu vào để trồng nấm rơm và cho quá trình sản xuất của nhiều sản phẩm khác giúp mang lại giá trị gia tăng cao. Ðáng chú ý, việc sử dụng rơm rạ từ trồng lúa để trồng nấm rơm, sau đó tiếp tục dùng rơm này làm phân bón hữu cơ phục vụ lại cho chính quá trình sản xuất lúa và các loại cây trồng là hướng đi rất hiệu quả đang được ngành chức năng quan tâm hỗ trợ nông dân nhân rộng, phát triển. Ðây cũng chính là mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm phát thải khí nhà kính.
Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, thời gian qua đơn vị đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa khâu thu gom rơm. Hướng dẫn nông dân trong khai thác và sử dụng rơm rạ, nhất là xây dựng và phát triển các mô hình giúp nông dân trồng lúa nâng cao thu nhập từ rơm và giảm phát thải khí nhà kính. Ðơn cử như, sử dụng rơm rạ trồng nấm rơm, sản xuất phân hữu cơ... Với sự quan tâm phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT và Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), hiện nông dân tại một số hợp tác xã (HTX) trên địa bàn thành phố cũng đã sử dụng rơm sau quá trình trồng nấm để làm phân bón hữu cơ. Qua đó, gia tăng vòng quay trong sử dụng rơm theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, giúp tạo giá trị gia tăng. Ðiển hình là HTX New Green Farm ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt.
Ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Bộ NN&PTNT và các tổ chức quốc tế để giúp nông dân đầu tư mua các thiết bị, máy móc cơ giới phục vụ thu gom rơm rạ ra khỏi đồng, cũng như khai thác, sử dụng rơm. Tạo điều kiện để nông dân được tiếp cận các máy móc, công nghệ mới và mô hình hiệu quả trong khai thác, sử dụng rơm. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn nông dân phát triển các mô hình sinh kế từ rơm và quản lý, sử dụng rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, phát thải thấp. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia liên kết với HTX và các nông hộ để khai thác tốt rơm rạ và các nguồn phế phụ phẩm trong nông nghiệp...
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, hưởng ứng "Ðề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL" đang được Bộ NN&PTNT gấp rút hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cần Thơ đã đăng ký tham gia Ðề án với diện tích 50.000ha tại các địa phương đang trồng lúa chủ lực của thành phố. Theo đó, ngành tập trung hỗ trợ, thúc đẩy nông dân áp dụng các giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng, giá trị lúa gạo gắn tăng trưởng xanh bền vững. Chú ý thực hiện tốt khâu thu gom, xử lý và tận dụng rơm rạ để nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm phát thải khí nhà kính.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG