Ngành chăn nuôi lợn Trung Quốc vẫn bị chi phối bởi các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, lạc hậu ở các vùng nông thôn. Ảnh: Quartz |
Báo cáo cho biết, vào năm 2022 sản lượng lợn hơi của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm 5%. Nguyên nhân bắt nguồn từ giá thịt lợn xuống thấp và dịch bệnh bùng phát trong năm 2021, dẫn đến việc nhiều cơ sở chăn nuôi lợn phải giết mổ cấp tập để né dịch bệnh và bán vớt vát tránh lỗ lã. Hoạt động này còn khiến cho việc tái đàn lợn trên cả nước bị trì hoãn, đình đốn.
Theo các chuyên gia phân tích thị trường, thịt lợn luôn là một vấn đề lớn ở Trung Quốc, nơi trung bình mỗi người dân nước này tiêu thụ khoảng 30kg thịt lợn mỗi năm. Con số này so sánh với người Mỹ là khoảng 26kg và người tiêu dùng Anh là khoảng 18kg.
Theo đó, sản lượng thịt lợn năm 2022 tại quốc gia đông dân số nhất thế giới được dự báo sẽ sụt giảm 14% do đàn lợn hơi ngày càng ít hơn cùng với các chính sách của chính phủ được đưa ra để điều tiết, hạn chế biến động về giá: các động thái này vô hình trung làm giảm khả năng mở rộng quy mô sản xuất.
Do đó trong năm tới, nhập khẩu thịt lợn tại Trung Quốc sẽ tăng lên 5,1 triệu tấn do nhu cầu tiêu dùng đối với thịt lợn vượt quá nguồn cung sản xuất trong nước.
Ngoài ra sản lượng thịt gia súc và thịt bò cũng được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2022 khiến giá thịt bò bị đẩy lên cao, là cơ hội khuyến khích các nhà sản xuất lớn đầu tư.
Nhập khẩu thịt lợn tại Trung Quốc được dự báo sẽ tăng lên 5,1 triệu tấn trong năm tới. Ảnh: Business Insider |
Nhập khẩu gia súc được dự báo sẽ ổn định ở mức 350.000 con. Riêng thịt bò nhập khẩu sẽ tăng lên, đạt 3,3 triệu tấn nhưng với tốc độ khá dè dặt do giá cao nên các nhà nhập khẩu buộc phải cân đối, tìm nguồn hàng đa dạng hơn.
Bắt đầu từ tháng 8 năm 2018, khi Trung Quốc thông báo với Tổ chức Thú y Thế giới về dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã xuất hiện tại nước này, dịch bệnh nguy hiểm này đã lây lan với tốc độ chóng mặt.
Ước tính khoảng 40% tổng đàn lợn ở Trung Quốc (hàng trăm triệu con) đã bị tiêu hủy, và kết quả là tình trạng khan hiếm thịt lợn triền miên và đẩy giá tăng cao. Chính phủ Trung Quốc nhiều thời điểm đã buộc phải khai mở nguồn dự trữ khẩn cấp khổng lồ từ các kho thịt đông lạnh để giải quyết nhu cầu trong nước để tránh các hệ lụy tác động tiêu cực đến nền kinh tế số hai thế giới.
Còn nhớ vào dịp trước Tết Nguyên đán cổ truyền đón năm mới 2020, Zhu Zhenchun, một chủ nhà hàng ở thành phố Thâm Quyến, phía đông nam Trung Quốc chia sẻ câu chuyện với tờ Observer: “Chúng tôi phải chi thêm khoảng 10.000 nhân dân tệ (1.550 USD) mỗi tháng chỉ vì giá thị lợn tăng cao. Đó là con số tương đương với tiền lương hàng tháng của hai nhân viên nhà hàng. Mọi người đều biết đây là một vấn đề và đều hy vọng giá sẽ giảm trước hoặc ngay sau Tết Nguyên đán. Nếu không giải quyết được bài toán đó, có thể khiến nhiều người nghĩ khác về công việc kinh doanh của chúng tôi”.
Kể từ khi bùng phát dịch ASF, nhập khẩu thịt lợn vào Trung Quốc đã chứng kiến sự tăng vọt liên tục do khủng hoảng thiếu nguồn protein quen thuộc. Con số thịt nhập khẩu trong năm 2019 lên tới 161 triệu kg và giới chức Trung Quốc phải gấp rút chứng nhận nhiều trang trại ở Brazil, Ireland và một số quốc gia khác để tạo nguồn đáp ứng nhu cầu, thậm chí còn dỡ bỏ cả lệnh cấm nhập khẩu thị lợn từ Canada trước đó.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi là một loại virus rất dễ lây lan và gây tử vong cho lợn, đến nay vẫn chưa có vacxin đặc trị. Loại virus này được giới chuyên môn cho là rất khỏe, có thể tồn tại và sống sót cả sau khi nấu chín và chế biến, hoặc sẽ tồn tại trong thịt đông lạnh một số năm.
Cơ chế lây truyền của virus ASF là trực tiếp giữa các con vật, hoặc do ăn phải thức ăn bị nhiễm bệnh. Đặc biệt là do thói quen mua bán lợn sống của người dân địa phương và một số quốc gia trong khu vực châu Á vẫn khá thường xuyên, được vận chuyển để cung cấp cho các chợ và các cửa hàng bán thịt ngoài trời. Bất chấp các kế hoạch hiện đại hóa gần đây của chính phủ, ngành chăn nuôi lợn của Trung Quốc vẫn bị chi phối bởi các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, lạc hậu ở các vùng nông thôn.