Quy hoạch và câu chuyện cây mít Thái

"Có khi mới chiều hôm trước mua 15.000 đồng/kg mít trái loại 1, 9.000 đồng/kg loại 2, gom được 20 tấn thì thương lái báo vô giá rớt, thu vô mỗi loại giảm 5.000 đồng/kg..."

 

Nông dân thu hoạch mít Thái.
Nông dân thu hoạch mít Thái.

Theo ông Vi Văn Long ngụ tại thành phố Cần Thơ: “Hiện nay, việc tiêu thụ mít Thái phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. Giá mua - bán mít tại vườn thì hoàn toàn do thương lái quyết định và chủ yếu mua bán bằng miệng, không có giấy tờ hợp đồng gì nên đã xảy ra không ít vụ “bỏ cọc chạy lấy người” mà thiệt hại luôn nghiêng về phía nông dân. Biết vậy nhưng phải chịu”.

Việc mua bán bị chèn ép là vậy nhưng theo nhiều nhà vườn ở Tây Nam bộ, so ra, vẫn chưa có loại cây ăn trái nào lợi nhuận hấp dẫn như mít Thái. Theo họ, nhà vườn có thể thu lãi gần 100 triệu đồng trên một công đất (1.000m2) khi trúng giá, nên nếu làm bài toán so sánh đơn giản thì trồng mít có lãi nhiều hơn trồng lúa từ 8 đến 10 lần. Hấp dẫn là vậy nên không khó hiểu khi cục diện bản đồ cây ăn trái vốn có của miền Tây Nam bộ đang biến động mạnh khiến quy hoạch cây trồng chung bị phá vỡ và các cơ quan chuyên môn hết sức lo lắng. Tính đến tháng 5/2021, khu vực ĐBSCL có trên 40.000ha mít Thái đang thu hoạch, nhiều nhất là tỉnh Đồng Tháp với trên 10.000ha; Hậu Giang xấp xỉ 5.800ha; An Giang với trên 3.500ha; Tiền Giang 3.200ha; Long An 1.200ha...

Trước sự phát triển quá nhanh diện tích trồng cũng như sự bấp bênh trong khâu tiêu thụ của mít Thái, một số nông dân đã chuyển sang một số cây ăn trái khác. Ông Kim Sang, ngụ huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Tôi đã đốn bỏ 1.000 gốc mít Thái để trồng vú sữa Lò Rèn và thanh nhãn. Hy vọng sẽ khấm khá hơn”. Câu chuyện trồng chặt - chặt trồng, có vẻ vẫn rất thời sự với cây mít Thái!

 

Nguồn: http://nongthonviet.com.vn/nong-nghiep/cau-chuyen-nong-nghiep/202108/quy-hoach-va-cau-chuyen-cay-mit-thai-781178/
  • :
  • :