Tiêu Phú Quốc là một trong những sản phẩm OCOP.
Bà Trần Thị Hồng, Phó Trưởng Phòng Kinh tế TP Phú Quốc, cho biết, địa phương thực hiện Chương trình OCOP từ tháng 11-2020 đến nay và luôn xác định rõ quan điểm đây là chương trình phát triển kinh tế quan trọng ở khu vực nông thôn, theo hướng nội lực, phát huy giá trị bản sắc địa phương, có sự liên kết chặt chẽ, bền vững từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; do đó cần nhận thức đúng đắn, cách làm, bước đi phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Xác định OCOP là chương trình trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới, phòng kinh tế tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Ðề án "Chương trình mỗi xã một sản phẩm" giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch hằng năm trên địa bàn được triển khai rộng ở các xã, phường. Bên cạnh đó, Phú Quốc còn đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP trong và ngoài nước.
Ðến nay, toàn thành phố đã mở 5 lượt hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và có 30 sản phẩm đạt OCOP ở 9 xã, phường của 10 chủ thể, gồm 2 hộ kinh doanh và 8 doanh nghiệp; trong đó có 6 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, 13 sản phẩm đạt 4 sao và 11 sản phẩm đạt hạng 3 sao. TP Phú Quốc xây dựng được một điểm trưng bày các sản phẩm OCOP và sản phẩm địa phương được đặt tại phòng
kinh tế.
Qua thực hiện Chương trình OCOP đã giúp cho các chủ thể hiểu biết hơn về sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, các điều kiện về an toàn thực phẩm, sử dụng bao bì, nhãn hàng hóa đúng theo quy định; bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, phát huy được sức mạnh cộng đồng, giá trị tiềm năng và lợi thế của vùng miền trong tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, tạo ra sản phẩm chế biến sâu, chế biến tinh tế nâng cao giá trị. Qua đó ổn định thu nhập cho người lao động địa phương và góp phần thiết thực việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.
Theo bà Trần Thị Hồng, Chương trình OCOP đã đạt được những kết quả bước đầu, tạo sức lan tỏa, từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm. Thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", từ năm 2021 đến nay đã có gần 2.000 giỏ quà Tết sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng, góp phần kích thích khởi nghiệp sáng tạo của địa phương, đưa sản phẩm OCOP của thành phố trở thành sản phẩm du lịch được quan tâm, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất tập trung, gia tăng giá trị sản phẩm, phục vụ phát triển du lịch của thành phố.
Ðến nay, Phòng Kinh tế đăng ký và hỗ trợ làm hồ sơ cho 3 doanh nghiệp là nước mắm Kim Hoa, nước mắm Huỳnh Khoa và rượu sim rừng Hải Phong tham gia bình chọn thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2022 của TP Phú Quốc.
Ngoài ra, với chức trách nhiệm vụ được giao, Phòng Kinh tế đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho sản phẩm đạt OCOP. Chủ động tham mưu với UBND TP Phú Quốc cũng như phối hợp triển khai và vận động các cơ sở, doanh nghiệp tham gia các cuộc triển lãm, hội nghị, hội chợ tại địa phương; các tỉnh, thành phố ngoài Phú Quốc.
Ðiển hình trong năm 2022, tham gia xúc tiến thương mại tại một số địa phương như Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên - Gia Lai và giao thương doanh nghiệp Nhật; ký kết hợp tác đầu tư, kinh doanh với các doanh nghiệp Thái Lan; tham gia Hội chợ OCOP 2022 tại TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh; tham gia Diễn đàn sản phẩm OCOP Ðồng Tháp và các tỉnh Ðồng bằng sông Cửu Long năm 2022 "Liên kết cùng phát triển"; tham gia cùng đoàn tỉnh sang Campuchia chúc Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2023, đồng thời kết hợp với các doanh nghiệp kết nối cung cầu, giao thương sản phẩm với các doanh nghiệp tại Campuchia…
Bên cạnh đó, Phòng Kinh tế tổ chức 2 đợt trao giấy chứng nhận của UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021; phối hợp với Chi cục phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan ghi hình thực tế các chủ thể đạt hạng từ 3 sao trở lên và cơ sở đạt tiềm năng 5 sao; chuẩn bị hội đồng cấp Trung ương đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt 5 sao cho 6 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao tại TP Phú Quốc…