Phụ phẩm rơm rạ - nguồn lợi to lớn 

Hằng năm, lượng phụ phẩm rơm rạ được thải ra từ sản xuất lúa ở nước ta rất lớn, nhất là tại ÐBSCL, nơi đang cung cấp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Nguồn rơm rạ dồi dào

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hằng năm ước tính nước ta có khoảng 45 triệu tấn rơm khô, 8 triệu tấn trấu, 30-50 triệu phế phụ phẩm thực vật khác. Tổng khối lượng phế phụ phẩm trong trồng trọt lên trên 100 triệu tấn/năm, với hầu hết là xác hữu cơ như thân, lá, vỏ hạt… tất cả đều chứa đựng lượng dinh dưỡng rất tốt, có thể hoàn trả, cải tạo bồi dưỡng lại cho đất. Với khối lượng này, nếu không quản lý và sử dụng tốt sẽ gây nên một sự lãng phí. Theo tính toán của các chuyên gia nông nghiệp và môi trường, con số lãng phí hằng năm có thể lên tới vài trăm nghìn tỉ đồng. Bên cạnh đó, lượng phế phụ phẩm này không sử dụng đúng mục đích có thể gây ô nhiễm môi trường (đất, không khí và nước) do hoạt động vùi lấp yếm khí, xử lý bừa bãi hay đốt bỏ...

Sử dụng rơm để trồng nấm rơm ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Thực tế cho thấy, rơm rạ không chỉ có thể phục vụ làm phân bón hữu cơ mà còn dùng vào nhiều mục đích sản xuất khác nhau như trồng nấm rơm, làm thức ăn chăn nuôi, phủ gốc cho cây trồng, lót trái cây, làm vật liệu xây dựng, trang trí hoặc nông dân có thể đem bán cho những người có nhu cầu.

Ông Nguyễn Quang Minh ngụ xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: "Nhờ sử dụng rơm để sản xuất nấm rơm, tôi và nhiều hộ dân tại địa phương đã có thêm nguồn thu nhập khá tốt. Ngoài nguồn rơm sẵn có của gia đình, tôi còn mua thêm một lượng rơm rất lớn về thuê mướn thêm đất để chất nấm rơm theo hướng chuyên nghiệp, quanh năm. Hiện, mỗi tháng tôi mua khoảng 600-700 cuộn rơm để chất nấm. Giá rơm cuộn đang được thương lái giao tận nơi chất nấm khoảng 24.000 đồng/cuộn. Mỗi cuộn rơm khi chất nấm có thể cho năng suất nấm từ 1,5-2kg. Nếu nấm rơm bán được mức giá 55.000-60.000 đồng/kg như những tháng qua, mỗi cuộn rơm có thể giúp mang lại số tiền khá cao". Theo nhiều nông dân, tại nhiều nơi có thể dễ dàng thu gom rơm nhờ có máy cuốn rơm và các tổ, nhóm nông dân làm dịch vụ thu mua rơm. Mỗi héc-ta lúa, nông dân có thể thu được từ 140-160 cuộn rơm với giá thuê máy trên dưới 9.000 đồng/cuộn. Rơm sau khi chất nấm, được sử dụng làm phân hữu cơ rất tốt, nông dân có thể dùng bón cho rau màu, hoa kiểng và nhiều loại cây trồng.

Hỗ trợ nông dân thu gom, sử dụng rơm rạ

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp các địa phương vùng ÐBSCL cùng Bộ NN&PTNT và các đơn vị có liên quan đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa khâu thu gom rơm. Ðồng thời, tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn nông dân trong khai thác và sử dụng rơm rạ, nhất là xây dựng và phát triển các mô hình giúp nông dân trồng lúa nâng cao thu nhập từ rơm. Ðặc biệt, sử dụng rơm rạ trồng nấm rơm, làm thức ăn gia súc, ủ phân hữu cơ... Thông qua nhiều mô hình phát triển sinh kế hiệu quả từ rơm rạ, nông dân tại nhiều địa phương đã nâng cao được nhận thức và hành động trong việc khai thác, tận dụng nguồn phụ phẩm này để nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, do còn gặp khó khăn, còn thiếu thông tin và kiến thức nên nhiều nơi rơm rạ vẫn chưa được thu gom, khai thác sử dụng một cách triệt để.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp ngụ xã Ðông Thuận, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: "Nông dân vẫn còn đốt bỏ rơm vì giá bán tại ruộng ở nhiều nơi còn thấp, thậm chí không có người mua. Nông dân cũng còn thiếu thông tin, kiến thức và kỹ thuật trong sản xuất nấm rơm hay ủ rơm rạ thành phân bón hữu cơ, cũng như chưa có sự quyết tâm cao, thiếu phương tiện, máy móc để thu gom rơm và sử dụng chúng. Cũng có không ít nông dân còn trồng lúa theo tập quán cũ, suy nghĩ đốt rơm sẽ tốt, giúp tiêu diệt mầm sâu bệnh trên đồng, dễ làm đất và để lại một lượng tro làm phân bón cho lúa. Nông dân rất cần ngành chức năng tăng cường các hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn nông dân, cũng như kết nối trong cung - cầu rơm rạ".

Theo TS Nguyễn Văn Hùng, Trưởng ban Cơ giới hóa và Sau thu hoạch, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), việc đốt rơm sẽ làm mất dinh dưỡng (N-P-K), tạo khí thải gây ô nhiễm và làm chết các sinh vật sống trong đất như nấm, vi khuẩn và động vật có lợi, từ đó ảnh hưởng đến đa dạng sinh học... Ðể hỗ trợ nông dân khai thác và sử dụng rơm rạ hiệu quả, IRRI đã và đang tích cực phối hợp với Bộ NN&PTNT, các địa phương và đơn vị có liên quan để thực hiện nhiều chương trình, dự án nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn dự trên lúa - rơm. Thực hiện chuyển đổi sản xuất lúa theo hướng carbon thấp.

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, ngành Nông nghiệp thành phố không chỉ quan tâm tuyên truyền, khuyến cáo nông dân không đốt bỏ rơm trên đồng mà còn tạo điều kiện để nông dân được tiếp cận các thiết bị và máy móc mới, hiệu quả trong thu gom rơm. Ðồng thời, tích cực tập huấn, hỗ trợ nông dân sử dụng rơm để phát triển thêm các hoạt động sản xuất trồng trọt và chăn nuôi nhằm tăng thu nhập hoặc bán rơm. Bên cạnh việc thu gom rơm ra khỏi ruộng lúa để phục vụ các hoạt động sản xuất và ủ làm phân bón hữu cơ, ngành Nông nghiệp cũng chú ý hướng dẫn nông dân giải pháp kỹ thuật xử lý rơm rạ ngay tại ruộng bằng các chế phẩm sinh học, đặc biệt là sử dụng nấm Trichoderma để thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy rơm rạ, giúp tái tạo lại nguồn dinh dưỡng dồi dào cho đất so với đốt rơm rạ.

Nguồn: https://baocantho.com.vn/phu-pham-rom-ra-nguon-loi-to-lon-a152011.html
  • :
  • :