Sản xuất lúa tại HTX dịch vụ trồng lúa sạch My Hậu ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.
Dựa vào cộng đồng
Bình Thuận là địa phương có nguồn lợi thủy sản lớn, từng được đánh giá là một trong ba ngư trường trọng điểm của cả nước. Tuy nhiên, nguồn lợi thủy sản tại địa phương có những thời điểm bị suy giảm rất mạnh do khai thác, đánh bắt quá mức, cũng như do cơ quan chức năng gặp khó trong quản lý bởi nguồn nhân lực ít và thiếu các phương tiện cần thiết, trong khi tỉnh có hơn 190km đường biển. Trong bối cảnh đó, mô hình cộng đồng ngư dân tham gia bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thủy sản đã được ra đời tại Bình Thuận. Theo ông Huỳnh Quang Huy, Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Bình Thuận, để hình thành được cộng đồng ngư dân bảo vệ biển, ông phải mất 30 buổi cà phê mới kiếm được 5 ngư dân đồng ý tham gia dự án giữ biển, sau đó lên 10 người và hình thành được Ban vận động hình thành cộng đồng để giữ biển vào năm 2013. Quá trình lo thủ tục để thành lập cộng đồng này rất khó khăn, phải thông qua 37 văn bản với 4 lần phản biện và không có nguồn lực, ngư dân nhiều người cũng không tin tưởng. Tuy nhiên, chỉ sau hai năm nỗ lực triển khai, cộng đồng đã phát huy hiệu quả. Lượng giã cào bay xâm phạm giảm 90%, ngày trước giã cào bay đi sát bờ biển, giã nát biển, trong 100m2 không còn một con thủy sản nào sống. Cộng đồng tham gia quản lý và ngành chức năng hướng dẫn giải pháp kỹ thuật và đặt các cụm chà nhân tạo, kết quả nguồn lợi thủy sản được phục hồi, 1m2 đã có 426 con thủy sản các loại. Quan trọng nhất là người dân đã hiểu được cách làm cộng đồng là như thế nào và họ trực tiếp đứng ra bảo vệ vùng biển, giúp nguồn lợi thủy sản phục hồi. Với sự hỗ trợ của UNDP, Bình Thuận triển khai được ba dự án cộng đồng như vậy, quản lý 43km2, dọc theo bờ biển của huyện Hàm Thuận Nam. Từ năm 2017 đến nay, sau khi nguồn hỗ trợ của UNDP kết thúc, các mô hình vẫn hoạt động hiệu quả, người dân ngày càng tự giác tham gia.
Thành lập tháng 9-2016, hiện Minh Tâm hội quán ở xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp đã tập hợp hơn 80 thành viên tham gia sinh hoạt, định kỳ hàng tháng. Theo ông Trần Phú Hậu, thành viên Minh Tâm hội quán, nhờ tham gia hội quán mà những người nông dân như ông đã có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và liên kết phát huy sức mạnh của cộng đồng để phát triển nông nghiệp theo hướng đa tầng, tích hợp đa giá trị gắn với du lịch cộng đồng trải nghiệm nông nghiệp. Hội quán đã khẳng định được vai trò của mình trong việc tập hợp nông dân cùng nhau bàn bạc về thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế gia đình và nâng cao hiệu quả sản xuất bền vững gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Theo đó, nông dân tại hội quán không chỉ sản xuất độc canh cây xoài mà còn tận dụng những khoảng đất trống để trồng rau nuôi thỏ, lấy phân thỏ ủ phân hữu cơ bón cho cây xoài, dưới ao tận dụng các phụ phẩm từ vườn xoài để nuôi ốc bươu đen tăng thu nhập.
Phát huy nguồn lực từ cộng đồng
Nhằm đánh giá vai trò, vị trí và sự cần thiết phải phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển nông nghiệp và nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa chủ trì phối hợp các địa phương và đơn vị có liên quan tổ chức tọa đàm trực tuyến "Phát huy vai trò của cộng đồng trong thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn". Tại tọa đàm, nhiều đại biểu đã khẳng định tính hiệu quả của việc phát triển nông nghiệp và nông thôn dựa vào cộng đồng, đặc biệt là các tổ chức cộng đồng như HTX, hội quán, hiệp hội doanh nghiệp... và đề nghị cần phát huy. Ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và kịp thời có các cơ chế chính sách phát triển kinh tế cộng đồng, hỗ trợ các tổ chức cộng đồng nhân rộng các mô hình, dự án hiệu quả trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cộng đồng và tổ chức cộng đồng trong thực hiện đổi mới sáng tạo, tiếp cận vốn, khoa học công nghệ mới, quảng bá sản phẩm... để phát triển sinh kế bền vững gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường... Ông Cao Ðức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), cho rằng: "Các nhà kinh tế hay nói về các chính sách, các nhà kỹ thuật nói về kỹ thuật và các nhà quản lý hành chính thường hay nói về các biện pháp hành chính, nhưng phát triển nông nghiệp thì không phải là vì cây lúa hay con heo mà vì người dân. Phát triển nông nghiệp do nông dân là chính, vì thế quản lý ngành Nông nghiệp, phát triển nông nghiệp phải được coi là công tác nông vận, đồng thời kết hợp với chính sách, với kỹ thuật, với giải pháp hành chính... Bài học mà chúng ta rút ra mấy chục năm vừa qua là phải dựa vào nhân dân, dựa vào nông dân, phải phát huy vai trò tập thể, không chỉ mỗi hộ gia đình mà cả các tập thể, các cộng đồng để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn". Theo Tiến sĩ Ðặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, toàn cầu hóa đang diễn ra làm dân cư thay đổi, lao động di cư, xã hội biến động, các giá trị và hành vi thay đổi. Nếu chúng ta không có sức mạnh của cộng đồng thì không duy trì được nền văn hóa, không bảo vệ được các chân giá trị của cuộc sống và xã hội sẽ bị biến đổi. Ðã đến lúc chúng ta phải đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng mà cộng đồng đóng vai trò quan trọng.
Ðể ngành Nông nghiệp phát triển bền vững, cần phát huy vai trò và nội lực của cộng đồng và các sáng kiến để thu hút nguồn lực bên ngoài, phải giúp người dân nói chung, nông dân nói riêng hiểu được giá trị mô hình do cộng đồng quản lý. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, cần thay đổi tư duy, phát huy nội lực của cộng đồng để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững và khắc phục các hạn chế và sự quá tải trong công tác quản lý nhà nước. Cần kích hoạt các năng lượng tích cực trong cộng đồng, nâng cao năng lực và phát huy các sáng tạo, sáng kiến trong cộng đồng, từ đó thu hút được các nguồn lực từ bên ngoài. Phát huy tinh thần làm chủ và tích tự giác, tự lực của cộng đồng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và kinh tế - xã hội nói chung. Ngành chức năng quan tâm có các hỗ trợ cho cộng đồng và các tổ chức cộng đồng trong công tác đào tạo, tập huấn, xây dựng kế hoạch phát triển...