Phát triển du lịch nông thôn, làm gì để bền vững?

Trong phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch nông thôn được xem là "con gà đẻ trứng vàng". Thế nhưng làm thế nào để hoạt động du lịch nông thôn phát huy hiệu quả...

 

Du khách nước ngoài trải nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.
Du khách nước ngoài trải nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.

Tiềm năng lớn

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWOT), du lịch nông thôn có 3 loại hình chính là du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp và du lịch di sản. Trong đó, du lịch sinh thái chủ yếu dựa vào tự nhiên thông qua các hoạt động tham quan với mục đích thưởng ngoạn phong cảnh, tìm hiểu về động thực vật hoang dã ở địa phương; du lịch nông nghiệp tập trung vào các hoạt động tham quan nông trại trồng trọt, chăn nuôi, tham gia các khóa học làm vườn hoặc chế biến nông sản, các triển lãm nông nghiệp, lễ hội văn hóa với mục đích trải nghiệm và học hỏi; du lịch di sản khai thác giá trị văn hóa hệ thống di sản nông thôn bao gồm các đền chùa, tượng đài, di tích lịch sử, nghệ thuật, các điểm khảo cổ… Dựa theo cách phân loại của UNWOT, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn để phát triển loại hình du lịch nông thôn, nhất là sau 10 năm triển khai Chương trình xây dựng Nông thôn mới, bộ mặt nông thôn Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực, môi trường được cải thiện. Bên cạnh đó, với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm cũng như phong trào khởi nghiệp đang phát triển rầm rộ tại các địa phương, việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, sinh thái nông nghiệp đã góp phần giúp các sản phẩm du lịch nông thôn ngày càng phổ biến và đa dạng. Không chỉ thu hút du khách nội địa, du khách quốc tế cũng vô cùng thích thú với các tour du lịch có gắn với nông nghiệp và nông thôn. Sự gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp đơn thuần với du lịch tham quan, trải nghiệm các quy trình sản xuất hàng hóa cũng đã mở ra hướng kinh doanh mới, tăng thêm nguồn thu cho nông dân.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng - Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, cho biết Bộ NN&PTNT rất quan tâm đến các giải pháp nhằm tạo thêm các giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, phát huy tiềm năng du lịch nông thôn và từ đó tạo thành chuỗi giá trị hiệu quả trong kinh tế nông nghiệp. Cũng do vậy nên trong bộ tiêu chí đánh giá các sản phẩm của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, có tiêu chí đánh giá nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Các tiêu chí này nhằm hướng đến việc xây dựng một điểm đến du lịch chất lượng, độc đáo, phát huy được sức mạnh cộng đồng nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội, góp phần phát triển xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Bộ NN&PTNT cũng đã phê duyệt và bắt đầu triển khai dự án chỉ đạo điểm hỗ trợ đối với 10 làng văn hóa - du lịch cộng đồng gắn với Chương trình xây dựng Nông thôn mới tại một số địa phương, nhằm phát triển mô hình kiểu mẫu, nhân rộng tới các địa phương khác.

Làm thế nào?

Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, cả nước hiện có khoảng 400 điểm phục vụ cho du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, theo TS Ngô Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát Triển Nông thôn - Saemaul Undong, chưa có nhiều sản phẩm du lịch nông thôn thực sự độc đáo để hấp dẫn du khách. “Đang có sự trùng lặp ở nhiều địa phương. Ví dụ đi du lịch vùng Tây Nam bộ ở đâu cũng thấy bắt cá, chèo xuồng, dù mỗi địa phương đều có những giá trị đặc thù riêng. Điển hình như Bến Tre có làng văn hóa du lịch Chợ Lách với thế mạnh về hoa, cây kiểng; An Giang có làng văn hóa dân tộc Chăm với rất nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tộc người này”, TS Ngô Thị Thu Trang chia sẻ. Theo bà, các địa phương cần chú trọng khai thác tính đặc thù của vùng miền và tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo.

Hồ Tà Đùng nhìn từ một homestay tại xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.
Hồ Tà Đùng nhìn từ một homestay tại xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.

Khi triển khai Chương trình Mỗi làng một sản phẩm, các địa phương đã có chú ý đến việc khôi phục, bảo tồn các làng nghề. Đây là hướng đi đúng. Nhưng nhìn chung, sự kết hợp này vẫn còn thiếu sự kết dính cần thiết, vì thế chỉ cần có một tác động nhỏ là mối liên kết này bị đứt gãy. TS Ngô Thanh Loan, nguyên Trưởng Bộ môn Du lịch Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM, lưu ý làng nghề và du lịch nông thôn là hai thành tố có thể bổ sung cho nhau để cùng phát triển. Phải làm thế nào để làng nghề là một điểm nhấn của du lịch nông thôn, thỏa mãn được nhu cầu rất lớn của du khách trong việc tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa ở nông thôn. Khi gắn du lịch với làng nghề, chúng ta cũng có thể mở rộng thêm các vấn đề liên quan đến trách nhiệm: trách nhiệm với nghề truyền thống, trách nhiệm với việc bảo tồn tài nguyên văn hóa ở nông thôn. Khai thác làng nghề để làm du lịch không những giúp đa dạng sản phẩm du lịch mà còn góp phần duy trì, phát triển làng nghề.

Việc áp dụng khoa học công nghệ trong các hoạt động du lịch cộng đồng nhằm tối ưu hoá phát triển du lịch như xây dựng phần mềm quản lý điểm đến; ứng dụng kết nối các điểm du lịch với các điểm homestay, đặt phòng, đặt tour trực tuyến; tham quan thực tế ảo 3D… cũng đã được lưu ý trong thời gian vừa qua. Điều đáng băn khoăn là hầu hết mang tính tự phát, chưa đảm bảo tính hệ thống nên trên bình diện cả nước vẫn chưa phát huy được tác dụng. Để có dữ liệu tốt cho du lịch nông thôn nói chung, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải có một nhạc trưởng thực sự quyền năng thì mới có thể giải quyết được căn cơ vấn đề này.

Qua khảo sát tình hình thực tế tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM, cũng nhận định rằng mối liên kết giữa các chủ thể tham gia chuỗi giá trị du lịch nông thôn hiện còn khá lỏng lẻo. Nhiều doanh nghiệp lữ hành liên kết với người dân để cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch nông nghiệp chỉ bằng giao ước miệng, nên ẩn chứa nhiều rủi ro. Theo bà, các chủ thể bao gồm chính quyền địa phương, doanh nghiệp lữ hành, người dân, đơn vị nghiên cứu… đều có vai trò quan trọng khác nhau, do vậy, sự liên kết, phối hợp chặt chẽ, quy củ thì việc vận hành chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp mới đạt hiệu quả cao, đem lại lợi ích tốt nhất cho tất cả các bên.

PGS.TS Phạm Trung Lương - Phó Viện trưởng Viện Môi trường và Phát triển bền vững, thì cho rằng cộng đồng là yếu tố cực kỳ quan trọng cho phát triển du lịch nông thôn nhưng năng lực của cộng đồng hiện nay đang rất yếu. Vì vậy, cần hướng dẫn cách làm du lịch cho người dân tại địa phương song song với nâng cao năng lực quản lý của nhà nước về du lịch. Các điểm đến du lịch nông thôn phải được quy hoạch để các doanh nghiệp lữ hành có cơ sở để đầu tư. Khi quy hoạch, cần phải hiểu du lịch nông thôn là khai thác giá trị điển hình của vùng nông thôn để phát triển các sản phẩm du lịch. Đây cũng là cách để nhận diện nhu cầu đích thực của khách du lịch khi đến vùng nông thôn.

Để con gà “du lịch nông thôn” đẻ được trứng vàng, còn cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành có liên quan, trong đó ít nhất là giữa hai ngành nông nghiệp và du lịch. Thiếu một quy hoạch tổng thể thì mơ ước phát triển bền vững du lịch nông thôn sẽ khó thành hiện thực!

 

Nguồn: http://nongthonviet.com.vn/nong-nghiep/nong-thon-moi/202108/phat-trien-du-lich-nong-thon-lam-gi-de-ben-vung-780792/
  • :
  • :