Phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản

Những năm qua, nghề nuôi cá lồng đã đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh, nhất là ở khu vực lòng hồ Hòa Bình. Nhưng để phát triển bền vững, đem lại hiệu quả thiết thực vẫn còn những vấn đề cần sự chung tay tháo gỡ.

 

 

 

 

 

Nuôi cá lồng đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân xóm Doi, xã Hiền Lương (Đà Bắc).

Hiền Lương là một trong những xã phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng của huyện Đà Bắc. Là xã vùng lòng hồ Hòa Bình, những năm qua, nuôi cá lồng đã đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân. Trước đây, gia đình ông Võ Minh Bắc, xóm Doi chỉ nuôi vài lồng cá nhỏ, mang tính chất nuôi thí điểm. Mấy năm trở lại đây, trước hiệu quả thiết thực nghề nuôi cá lồng đem lại, ông Bắc và gia đình đã mạnh dạn đầu tư nuôi trên 20 lồng cá, mỗi năm gia đình ông cung cấp ra thị trường hơn 40 tấn cá thương phẩm. "Nuôi cá lồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, quan trọng nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh cho cá, nếu để xảy ra dịch bệnh thì thiệt hại rất lớn. Hai năm trở lại đây, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng việc tiêu thụ cá vẫn thuận lợi, dù giá bán thấp hơn trước” - ông Bắc chia sẻ.

Đồng chí Nguyễn Đăng Giáp, Bí thư Đảng ủy xã Hiền Lương cho biết: Những năm qua, trên địa bàn xã duy trì nuôi hơn 240 lồng, bè cá, với hơn 80 hộ dân (chủ yếu xóm Doi và xóm Mơ) làm nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Nghề nuôi cá lồng đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực, được xã xác định là một trong những nghề phát triển lâu dài. "Nuôi cá lồng không chỉ khai thác hiệu quả điều kiện về diện tích mặt nước, mà còn tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn cho cá. Hơn nữa, nuôi cá không đòi hỏi nhiều thời gian chăm sóc, hiệu quả kinh tế đem lại cao. Tuy nhiên, để phát triển bền vững cần sự quan tâm của ngành chức năng về liên kết các đơn vị đầu mối, tạo chuỗi giá trị từ cung cấp con giống đến bao tiêu đầu ra cho bà con” - đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Hiền Lương cho biết thêm.

Ngoài xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc còn phát triển nghề nuôi cá lồng ở các xã: Vầy Nưa, Tiền Phong, Đồng Chum, Mường Chiềng, Nánh Nghê. Đến hết năm 2021, toàn huyện có trên 5.979 ha mặt nước vùng hồ sông Đà được quy hoạch nuôi trồng thủy sản, với trên 2,2 nghìn lồng cá; sản lượng đạt trên 1.300 tấn, trong đó, sản lượng nuôi trồng chiếm trên 84%. Đối với địa bàn toàn tỉnh, theo Chi cục Thủy sản, hiện duy trì và phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản 2.700 ha, với số lồng, bè nuôi cá là 4.750 lồng. Năm 2021, sản lượng nuôi trồng, khai thác đạt 11.700 tấn (nuôi trồng 9.800 tấn), gồm các loài cá như: Chiên, lăng chấm, lăng vàng, nheo Mỹ, diêu hồng, trắm đen, trắm cỏ, chép.

Đồng chí Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng từ cuối năm 2021, nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, từ trước và sau Tết Nguyên đán, sản lượng tiêu thụ cá tăng mạnh, không còn sản phẩm tồn đọng. Thời điểm này bà con đang vệ sinh hệ thống lồng, ao chuẩn bị thả vụ mới. Để phát triển bền vững, nâng cao giá trị thủy sản nuôi trồng, người dân cần đẩy mạnh áp dụng KHKT vào quá trình nuôi và nuôi cá theo đúng quy hoạch của tỉnh. Hiện bà con nuôi nhiều loài cá khác nhau, có những loài cá tiêu thụ còn chậm. Do đó, cần phải lựa chọn nuôi các loài cá thị trường có nhu cầu cao như: Lăng, rô phi, trắm đen. Đồng thời, quan tâm đến việc liên doanh, liên kết trong tiêu thụ để chủ động đầu ra cho sản phẩm. Trong thời gian tới, Chi cục nỗ lực giám sát tình hình dịch bệnh; thường xuyên lấy mẫu nước để phân tích và khuyến cáo bà con chủ động các biện pháp đảm bảo phòng bệnh cho cá. Ngoài ra, Chi cục đang triển khai thực hiện cấp mã số vùng nuôi đến các hộ dân.

 

Viết Đào

 

 

 

Nguồn: http://baohoabinh.com.vn/249/163508/Phat-trien-ben-vung-nghe-nuoi-trong-thuy-san.htm
  • :
  • :