Mô hình chuyển đổi nuôi trồng thủy sản trên đất lúa trong mùa nước nổi được phát triển tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.
Mô hình chuyển đổi trên được thực hiện từ đầu năm đến nay ước đạt 77.328ha, trong đó vùng Ðông Nam Bộ là 6.401ha, vùng ÐBSCL là 70.927ha. Việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả giúp sử dụng nước tiết kiệm và mang lại lợi nhuận cao hơn trồng lúa, hệ số sử dụng đất tăng lên từ 1,5-2,2 lần, tùy điều kiện của từng vùng. Trong đó, diện tích chuyển đổi sang trồng cây hằng năm là 51.189ha (vùng Ðông Nam Bộ 3.099ha, ÐBSCL 48.090ha); diện tích chuyển đổi sang trồng cây lâu năm 14.712ha (vùng Ðông Nam Bộ 3.219ha, ÐBSCL 11.493ha); chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản theo mô hình tôm - lúa, cá - lúa là 11.427ha (vùng Ðông Nam Bộ 83ha, ÐBSCL 11.344ha). Các mô hình trên đã góp phần tăng lợi nhuận, đạt hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.
Ðể thực hiện tốt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thời gian tới, các địa phương vùng Ðông Nam Bộ, ÐBSCL cần tăng cường tuyên truyền, vận động và phổ biến rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu. Quá trình sản xuất cần lựa chọn giống có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của từng tiểu vùng sinh thái, giống có khả năng chống chịu được sâu bệnh tốt; tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật từng loại cây trồng chuyển đổi cho các hộ dân ứng dụng, nhằm tăng hiệu quả sản xuất; lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện các mô hình trình diễn hiệu quả, giúp các hộ dân học hỏi áp dụng; kết nối và mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, cung ứng giống tốt và bao tiêu sản phẩm ổn định cho nông dân sản xuất...
Tin, ảnh: H.VĂN