Nuôi cua biển ứng dụng kỹ thuật nuôi trong hộp nhựa. Ảnh: LCH
Trong nhiều năm qua khi nguồn lợi thủy sản tự nhiên suy giảm, cua biển có giá trị kinh tế cao, nhu cầu thị trường tiêu thụ tốt nên được người dân vùng ven biển xem như một nghề mới. Nghề nuôi cua biển phát triển ngày càng nhiều ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh…
Tuy nhiên, cho đến nay thực trạng nghề nuôi cua biển còn quy mô nhỏ lẻ. Phần nhiều hộ nông dân dựa vào điều kiện tự nhiên hoặc thả nuôi cua kết hợp nuôi tôm quảng canh. Từ đó việc áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi chưa tốt. Trong khi nguồn thức ăn cho cua từ cá tạp dần khan hiếm, không chủ động được. Thức ăn cho cua không phù hợp ảnh hưởng đến chất lượng thịt hoặc nuôi cua gạch rất thấp, khó nuôi lên gạch, giá bán không cao, hiệu quả thấp.
Mặt khác thời gian gần đây người nuôi cua ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau báo động tình trạng nuôi cua biển trong vuông tôm bị chết. Nguyên nhân được cho là do thời tiết nắng nóng, nhiễm ký sinh trùng giáp xác chân tơ… Trước tình hình đó, người nuôi cua biển mong muốn chuyển đổi mô hình nuôi tốt hơn, kiểm soát nguồn thức ăn dinh dưỡng và môi trường ao nuôi. Từ đó nâng cao chất lượng cua thịt, đa dạng sản phẩm cua ngon có giá trị cao đáp ứng theo nhu cầu thị trường.
Tại Sóc Trăng, với điều kiện lợi thế tự nhiên tiếp giáp bờ biển biển Ðông dài 70km, tỉnh Sóc Trăng định hướng phát triển kinh tế biển. Những năm qua liên tiếp đưa các mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ gia tăng hiệu quả. Trong đó mô hình nuôi cua trong hộp nhựa bước đầu giúp nông dân chuyển đổi cách làm mới.
Ông Du Quốc Bảo, ở ấp Năm Căn, xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng là nông dân lần đầu tiên nuôi cua biển theo hướng dẫn quy trình kỹ thuật mới. Trong 4 tháng cuối năm 2022, mô hình nuôi cua thương phẩm trong hộp nhựa, do Trung tâm khuyến nông tỉnh Sóc Trăng thực hiện thí điểm trên diện tích 0,4ha ao nuôi, đạt hiệu quả. Nhiều hộ nuôi cua quanh vùng và các tỉnh lân cận đến tham quan, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Trước đó, mô hình nuôi cua ứng dụng công nghệ mới được các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Phú Yên, Quảng Ninh… lần lược thử nghiệm, kiểm chứng hiệu quả.
Thực tế qua mô hình của ông Bảo nuôi cua biển ứng dụng kỹ thuật mới. Ông thả cua nuôi mật độ 1 con/m2, đạt tỷ lệ sống 60%, hệ số chuyển đổi thức ăn - FCR = 1, kích cỡ nuôi đạt 360g/con, sản lượng đạt 720kg. Tổng chi phí thực hiện (kể cả vốn hỗ trợ mô hình và vốn đối ứng của gia đình ông Bảo) trên 120 triệu đồng. Cuối vụ tổng thu đạt trên 158 triệu đồng, trừ chi phí lãi được trên 37,5 triệu đồng.
Tổng kết mô hình thu đạt khả quan, tỷ lệ cua nuôi sống cao. Ðặc biệt nhờ phòng ngừa dịch bệnh và nguồn cung dinh dưỡng thức ăn cho cua phù hợp theo từng giai đoạn nuôi nên kiểm soát môi trường ao nuôi rất tốt. Mô hình thu hút nhiều nông dân các địa phương lân cận đến tham quan chia sẻ kinh nghiệm nuôi cua biển thương phẩm và nhân rộng sản xuất.
Theo cán bộ Trạm Khuyến nông thị xã Vĩnh Châu, mô hình "Nuôi cua biển trong hộp nhựa kết hợp nuôi cá rô phi" nhằm cải tiến quy trình nuôi, ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới đã góp phần nâng cao hiệu quả cho người nuôi cua. Việc ứng dụng kỹ thuật nuôi cua qua 2 giai đoạn và nuôi trong hộp nhựa, sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp với thức ăn tươi sống. Ðặc biệt nuôi cua biển kết hợp nuôi cá rô phi trong ao nuôi (cá rô phi) cho cua ăn đạt kết quả khả quan. Mô hình này góp phần giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế mầm bệnh.
Việc quản lý, kiểm soát tốt môi trường nước ao nuôi sạch, nguồn thức ăn dinh dưỡng tốt nên cho chất lượng cua thịt ngon. Mô hình này dễ theo dõi cua nuôi đạt đúng trọng lượng, cua lớn đồng đều đến kỳ thu hoạch nên được tiêu thụ tốt. Thương lái chuộng thu mua không đủ đáp ứng theo nhu cầu thị trường.
Hiện nay giá cua thương phẩm ở ÐBSCL thương lái mua cua thịt không phân loại trên 200.000-300.000 đồng/kg, cua gạch son khoảng 400.000 đồng/kg, cua cốm hai da 700.000-800.000 đồng/kg. Tại Sóc Trăng hiện có một doanh nghiệp và một số nông dân đang phát triển từ mô hình nuôi cua thịt hướng tới nuôi cua vỗ béo, nuôi cua gạch, cua hai da để nâng cao hiệu quả lợi nhuận.