Nuôi cá tôm trong container

Dùng container cũ để nuôi thủy, hải sản được một nhóm nghiên cứu độc lập và các bạn trẻ khởi nghiệp đề xuất thực hiện ở Việt Nam.

 

 

Thuận tiện đôi đường…

Anh Vũ Tuấn Anh (sinh năm 1985, Công ty ATS Global VN, đại diện nhóm nghiên cứu, phát triển dự án nuôi thủy sản trong container độc lập ở Ba Vì, một huyện bán sơn địa vùng ngoại thành Hà Nội) cho biết, mô hình này hoàn toàn ứng dụng được ở những nơi thiếu nguồn nước hay nguồn nước bị ô nhiễm, những nơi thời tiết nắng mưa, nhiệt độ cao thấp thất thường, những địa điểm có địa hình lồi lõm, dốc cao khó đào ao hoặc những nơi có diện tích nhỏ hẹp. Vật liệu thi công hệ thống nuôi cá bằng container là đồ phế liệu mua giá rẻ. Những container được lắp đặt hệ thống nuôi cá tuần hoàn lọc động và vi sinh giảm tối thiểu lãng phí nguồn nước, không cần phải thay nước trong thời gian dài và tận dụng được nguồn nước thải, phân cá để trồng rau sạch thủy canh. Một container có thể nuôi được khoảng 3.000 - 4.000 con cá điêu hồng, tương đương với một mẫu ao nuôi.

Ưu điểm của việc nuôi cá trong container là chỉ cần 1 nhân công cũng có thể kiểm soát, theo dõi, chăm sóc cho hàng chục container nuôi cá. Chi phí ban đầu tuy cao hơn ao nuôi truyền thống 3 - 4 lần nhưng những chi phí khác như nhân công, tái đầu tư, hao mòn, xử lý nước… giảm dần theo thời gian. Việc sử dụng các tấm pin năng lượng mặt trời lợp phía trên các container cũng giúp tiết kiệm chi phí. Cá nuôi được kiểm soát trong môi trường khép kín, chặt chẽ, ít dịch bệnh, nếu có dịch bệnh xảy ra có thể khoanh vùng, xử lý ngay không gây hại cho những bể nuôi khác. Việc thu hoạch cá cũng thuận lợi, nhanh chóng, tỷ lệ cá thu hoạch được rất cao…

Khai thác tiềm năng công nghệ

Trên thế giới hiện có nhiều nước nuôi thành công thủy sản trong container khi ứng dụng tích hợp với công nghệ tuần hoàn nước ao nuôi trồng thủy sản (Recirculating Aquaculture Systems - RAS). RAS kết hợp với công nghệ xử lý bổ sung ngoài được sử dụng trong hệ thống nuôi trồng thủy sản tái chế nước cục bộ (PRAS), cho phép tái sử dụng 1 lượng nước đáng kể. Hệ thống RAS này đạt mức độ kiểm soát tốt hơn bất kỳ ứng dụng công nghệ nào khác trong nuôi trồng thủy sản, mang lại hiệu quả sản xuất cao và lợi ích kinh tế đáng kể. Theo anh Vũ Tuấn Anh, công nghệ RAS thường được sử dụng khi nguồn nước mới cung cấp cho ao bị hạn chế hoặc giá thành cao, nguy cơ nguồn nước đi vào gây ô nhiễm hoặc nhiễm bệnh cao, công suất xử lý nước thải bị giới hạn, hoặc khi nhà quản lý muốn kiểm soát chặt chẽ về chất lượng nước và nhiệt độ trong hệ thống nuôi cá. Hệ thống này cho phép điều kiện nuôi cấy được tối ưu hóa quanh năm và hoàn toàn độc lập với các biến động về chất lượng nguồn nước và nhiệt độ môi trường xung quanh, vì vậy, tốc độ tăng trưởng cá có thể gia tăng giúp nuôi nhiều cá hơn hoặc đạt kích thước lớn hơn trong cùng một khoảng thời gian. Nếu hệ thống được thiết kế tốt, những lợi ích thu được từ sản phẩm sẽ lớn hơn phần chi phí tăng thêm dẫn đến việc hạ thấp được chi phí sản xuất cuối cùng.

 

Lợi ích lâu dài

Việc vận chuyển, lắp đặt, vận hành và bảo trì những container này khá đơn giản, cơ động nên việc chuyển giao kỹ thuật cho người dân nuôi quy mô nhỏ là rất khả thi. Hơn nữa, tùy mục đích sử dụng mà người dân có thể nuôi cá, tôm hoặc các loài thủy hải sản khác nhau. Dù chưa chính thức nuôi cá trong container, nhưng mô hình tương tự với hệ thống xử lý tuần hoàn nước khép kín bằng vi sinh cũng đã được áp dụng thử với việc nuôi lươn trong bạt, trong bể xi măng ở Thường Tín, nuôi cá trong bạt ở Ba Vì và có kết quả hết sức khả quan.

Việc nuôi cá trong container hiện nay đã được nhóm nghiên cứu độc lập của anh Vũ Tuấn Anh nghiên cứu hoàn thiện các giải pháp, sẽ được triển khai thực hiện ở quy mô nhỏ trong thời gian tới. Mong muốn của nhóm là kết nối được nông nghiệp và công nghệ để mang đến sinh kế một cách bền vững cho người dân ở những vùng đất khó canh tác như vùng cát trắng (dải đất miền trung), vùng hoang hóa (đồi núi, hoang mạc)…

 

Nguồn: http://nongthonviet.com.vn/nong-nghiep/nong-nghiep-cong-nghe-cao/202109/nuoi-ca-tom-trong-container-782020/
Tin liên quan
Chưa có thông tin
  • :
  • :