Nông dân thị trấn Chi Nê (Lạc Thuỷ) che chắn màng lưới cho rau màu để tránh nắng nóng, giữ ẩm cho cây.
18 giờ, khi trời đã dịu, nắng nhạt dần, trên những cánh đồng ở xã Yên Trị (Yên Thủy), nhiều nông dân vẫn cần mẫn gánh nước để tưới cho từng luống rau màu. Bà Bùi Thị Thanh, xóm Á Đồng cho biết: Gia đình có 3 sào trồng các loại rau màu. Những ngày qua, một số diện tích rau có hiện tượng héo ngọn do nắng nóng gay gắt. Sợ cây héo dần đến chết, gia đình đã căng thêm lưới đen che nắng, ngày 2 lần tưới vào sáng sớm và chiều muộn. Tưới nước chậm để nước ngấm vào đất, không tưới trực tiếp trên lá cây khi trời nhiều nắng vì giọt nước còn đọng lại trên lá, dưới tác động mạnh của mặt trời sẽ làm cháy lá.
Thời điểm này, tại các vùng trồng cây ăn quả có múi như cam, bưởi ở các huyện: Cao Phong, Kim Bôi, Tân Lạc… cây đang ở giai đoạn nuôi quả. Đã nửa tháng nay, ngày nào ông Nguyễn Văn Thắng, xóm Thung Dao Bắc, xã Tú Sơn (Kim Bôi) cũng dậy sớm để vận hành hệ thống tưới nước cho những diện tích cây ăn quả trong trang trại. Ông Thắng chia sẻ: Để ứng phó với thời tiết nắng nóng, cây cam đang giai đoạn dưỡng quả nên tôi đều đặn tưới mát cho cây vào buổi sáng. Sau mỗi lần dọn cỏ ở gốc cây tôi dùng thân ngô hay rơm, rạ để ủ gốc, giúp cây có được độ ẩm cần thiết, từ đó phát triển khỏe mạnh.
Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, từ tuần cuối tháng 6, nhiệt độ trung bình tại các địa phương dao động từ 28,3 - 32,90C, nơi cao nhất 40,30C. Độ ẩm trung bình từ 73 - 82%, cao nhất 84%. Trước tình trạng nắng nóng kéo dài, tại các vùng sản xuất chuyên canh cây ăn quả, rau an toàn, các cánh đồng trồng lúa…, nông dân đã chủ động, gấp rút áp dụng biện pháp xử lý, chống nắng cho cây trồng như: Bơm nước, tưới nước, che màng làm mát cho cây… Tuy nhiên theo bà con, đây chỉ là biện pháp tình thế, cần có mưa tự nhiên mới giải nhiệt, cung cấp đủ nhu cầu nước cũng như đạm cần thiết để cây trồng sinh trưởng, phát triển bình thường. Ngày 24/6, Sở NN&PTNT ban hành Công văn số 1688/SNN-TTBVTV về việc tập trung chỉ đạo sản xuất vụ mùa, hè thu năm 2022. Theo đó, các địa phương khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa và cây màu vụ xuân còn lại, giải phóng đất phục vụ sản xuất vụ mùa, hè thu đảm bảo đúng tiến độ. Đẩy nhanh tiến độ làm đất; mở rộng tối đa những diện tích có thể đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Ưu tiên lựa chọn những giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao. Chủ động bố trí lượng giống dự phòng để gieo cấy bổ sung khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời các đối tượng dịch hại… Tăng cường tu bổ hệ thống kênh mương, hồ đập phục vụ công tác tưới tiêu…
Đồng chí Vũ Thị Anh Đào, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật cho biết: Để hạn chế những tác động bất lợi của thời tiết nắng nóng đến các loại cây trồng, đối với cây rau màu, bà con nên phủ rạ mặt ruộng, làm giàn che lưới đen; thường xuyên duy trì nước trong rãnh giữa các luống để làm mát đất khi trời nắng nóng. Bà con cần đặc biệt lưu ý, tuyệt đối không tưới cây giữa trưa nắng, vì cây có thể bị chết do chênh lệch nhiệt độ, khúc xạ nhiệt. Đối với cây ăn quả, cây công nghiệp, cần tiến hành tưới ẩm hàng ngày hoặc ít nhất 2 - 3 ngày/lần, nhất là các vườn cây mới trồng, vườn cây ăn quả đang trong thời kỳ ra hoa, quả non. Việc tưới nước phải được thực hiện vào sáng sớm hoặc chiều mát, khi đất đã giảm nhiệt, không tiến hành cắt tỉa cành, trồng mới các loại cây ăn quả, cây công nghiệp khi thời tiết nắng nóng gay gắt. Nếu có điều kiện, bà con nên đầu tư, ứng dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt, phun sương để vừa tiết kiệm được sức lao động, thời gian, vừa đảm bảo hiệu quả chăm sóc cây trồng trong những ngày nắng nóng.
Dự báo thời tiết nắng nóng còn tiếp diễn với nhiệt độ khoảng 37 - 380C. Vì vậy, nông dân các địa phương cần cập nhật tình hình thời tiết thường xuyên để chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống, nhằm bảo vệ cây trồng, giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất.
Thu Hằng