Hằng năm, tỉnh Vĩnh Long gieo trồng hơn 35.000ha rau màu các loại. Bên cạnh những vùng chuyên canh rộng lớn, những nhà kính, nhà lưới sản xuất nông nghiệp theo kỹ thuật cao, thì ở những vùng đất khó, diện tích hẹp, điều kiện sản xuất không thuận lợi, người dân làm rẫy đã tạo ra những cách trồng mới, đem lại hiệu quả thiết thực. Ðặc biệt sau thời gian tỉnh từng bước khống chế dịch COVID-19, các mô hình này đã giúp nông dân dần khôi phục sản xuất...
Mô hình trồng rau “3 trong 1” ở Hợp tác xã rau an toàn Phước Hậu.
Mô hình trồng rau an toàn “3 trong 1”
Mô hình được áp dụng trên rau ăn lá (như cải, hành, quế, húng quế…) tại Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Phước Hậu ở xã Phước Hậu, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long (HTX rau an toàn Phước Hậu). Cách trồng này chỉ tốn một lần làm đất, lên liếp trồng rau mà thu hoạch được 3 vụ rau, nên được gọi là mô hình trồng rau “3 trong 1”.
Sau khi làm đất, lên liếp, nông dân trồng loại rau có thời gian sinh trưởng dài nhất, có chiều cao cây cao nhất (gọi là rau tầng cao) trước, rồi kế đó trồng loại rau có thời gian sinh trưởng ngắn hơn, có chiều cao cây thấp hơn (gọi là rau tầng thấp). Ðến khi thu hoạch thì ngược lại: thu hoạch loại rau tầng thấp trước rồi đến loại rau tầng cao hoặc thu hoạch song song cùng lúc, tùy theo mô hình kết hợp trồng các loại rau có thời gian sinh trưởng khác nhau.
HTX rau an toàn Phước Hậu hiện có 3 mô hình trồng rau an toàn theo kiểu này, đó là mô hình hành lá - ngò rí - cải ngọt (hoặc cải xanh); mô hình trồng ớt - rau cần tàu - ngò gai và mô hình trồng rau quế - ngò gai - cải xà lách. Lối canh tác này giúp nông dân giảm chi phí sản xuất như giảm làm đất, không sử dụng màng phủ nông nghiệp, tăng vòng quay sử dụng đất, tăng sản phẩm rau an toàn và gia tăng thu nhập. Doanh thu từ mô hình này có thể cao hơn từ 1,5-2 lần so với mô hình trồng đơn thuần một loại rau có doanh thu cao nhất.
Chẳng hạn như trong mô hình hành lá - ngò rí - cải ngọt, người dân trồng hành lá trước, rồi gieo hạt ngò rí vào, thu hoạch ngò rí, gieo hạt cải ngọt vào, thu hoạch song song 2 loại rau là hành lá và ngò rí, rồi sau đó tiếp tục thu hoạch đến cải ngọt. Sau 75 ngày từ khi trồng hành lá là thu hoạch hết 3 loại rau (3 vụ). Chi phí đầu tư cho 3 vụ rau của mô hình này (không kể nhân công) trên mỗi công rẫy (1.000m2) là 4,5-5 triệu đồng, tổng doanh thu 14-15 triệu đồng, trừ chi phí người dân còn lời khoảng 10 triệu đồng.
Ông Trần Văn Hiền, Giám đốc HTX rau an toàn Phước Hậu, cho biết: Hiện ở HTX có 31 xã viên trồng 15,5ha rau an toàn các loại ở ấp Phước Hanh B và có nhiều hộ ở các ấp lân cận đã áp dụng mô hình nêu trên từ khoảng năm 2011 đến nay, đem lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất.
Bầu cải - mô hình xóa đói giảm nghèo
Do không có hoặc có ít đất sản xuất, các hộ có nhà ở dọc bờ kinh Chà Và Lớn (khóm Ðông Bình B, phường Ðông Thuận, thị xã Bình Minh) đã dần hình thành mô hình và ổn định cuộc sống với nghề ương giống rau màu. Ðây là xóm bầu cải duy nhất ở thị xã Bình Minh. Hiện xóm có 47 hộ ở liền kề chuyên ương trên 20 loại rau như cải tùa xại, cải bắp que, cải bắp nồi, cải cà rốt và có cả đu đủ, bí đao, bí rổ, bầu, cà tím, cà chua… với tổng diện tích khoảng 3.000m2. Mỗi hộ có từ 50-200m2 giàn hoặc vườn ương chứa từ 80-100 thiên bầu cải (1 thiên là 1.000 bầu). Họ tận dụng những khoảnh đất trống ít ỏi xung quanh nhà để ương cây giống hoặc cơi nới, lấn ra bờ sông để lập giàn ương và chăm chút quấn từng bầu hình trụ bằng lá chuối to bằng ngón tay cái, rồi cho chất trồng (tro trấu, phân lò gạch, phân bãi ven sông cái, phân hữu cơ…) và nhận bầu, bỏ hột giống vào bầu.
Ở ấp Nhất, xã Ngãi Tứ (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) cũng có một “xóm bầu cải” như vậy với 20 hộ tham gia, có nhiều hộ đã 2-3 đời làm nghề ương cải giống như cải tùa xại làm dưa, cải bắp, bẹ dún, cải bách thảo… Ở đây hộ dân không làm giàn ương lấn ra sông mà làm ngay ven đường để bầu cải bán kiếm thêm thu nhập. Ban đầu chỉ có vài hộ làm cải giống ven bờ sông Ngãi Tứ, sau chuyển qua làm ven hương lộ 26 Tháng 3, dần dần trở thành “xóm bầu cải” như hiện nay.
Hằng năm, ước tính 2 làng nghề này được các thương lái mua từ 100.000-150.000 thiên bầu ương (tương đương 100-150 triệu bầu ương) để cung cấp cây giống ở các vùng trồng rau màu của tỉnh Vĩnh Long và vùng Ðại Ngãi (Sóc Trăng), Bình Thủy (Cần Thơ)...
Ông Nguyễn Văn Năng (60 tuổi) ở xóm bầu cải Ðông Bình B cho hay, nghề này đã thành kế mưu sinh cho các hộ dân nơi đây và còn tạo việc làm phù hợp cho người lớn tuổi, phụ nữ, người ít vốn, yếu sức có thu nhập thường xuyên, ổn định cuộc sống... Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, lượng hàng bán của xóm bầu cải Ðông Bình B có giảm nhưng xóm nghề vẫn sản xuất và duy trì được nguồn thu.
Bài, ảnh: HẠNH LÊ