Nông dân đạt được kết quả tốt trong giảm phát thải khí nhà kính được tặng tiền thưởng.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ phối hợp IRRI tiến hành nghiên cứu thực nghiệm thí điểm khuyến khích kinh tế đối với nông dân thực hành sản xuất lúa theo gói canh tác “1 phải, 5 giảm” và giảm phát thải khí nhà kính, tại xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh. Có 4 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp: Khiết Tâm, Quỳnh Phúc, Hiếu Bình và Thịnh Phát, mỗi HTX lựa chọn 50 nông dân, tham gia thực hiện nghiên cứu từ 12/2023-4/2024. Các đơn vị liên quan đã phối hợp tập huấn cho 200 nông dân của 4 HTX về kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng bền vững thuộc gói canh tác “1 phải, 5 giảm” và phát thải thấp. Nghiên cứu cũng tiến hành các cuộc khảo sát đầu kỳ và cuối kỳ nhằm so sánh mức độ áp dụng các kỹ thuật tiên tiến và giảm phát thải của nông dân; giới thiệu đến nông dân và ngành chức năng tại huyện về công cụ FarMoRe là công cụ số phục vụ ghi chép dữ liệu và đánh giá kết quả canh tác lúa theo hướng bền vững, phát thải thấp.
Báo cáo, đánh giá tại hội thảo cho thấy, tất cả nông dân tham gia thực nghiệm nghiên cứu đã áp dụng “1 phải” là phải dùng giống xác nhận và 100% áp dụng kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ, cũng như sử dụng máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa. Nhiều nông dân đã giảm được phát thải khí nhà kính so với đầu kỳ, trong đó có những nông dân có mức giảm phát thải trên 1 tấn CO2 tương đương/ha. Kết quả giảm phát thải này chủ yếu nhờ vào việc giảm sử dụng phân đạm, giảm đốt rơm và áp dụng tưới ướt khô xen kẽ. Nhiều nông dân cũng tăng được lợi nhuận 15-20% trở lên so với canh tác truyền thống...
Dịp này, Ban tổ chức hội thảo đã trao thưởng 38 nông dân đạt được kết quả tốt trong việc giảm phát thải khí nhà kính, với tổng số tiền trên 20 triệu đồng. Qua đó, động viên, khuyến khích nông dân đã thực hiện thay đổi thực hành canh tác theo hướng sinh thái, giảm phân đạm, giảm đốt rơm, giảm phát thải, góp phần thúc đẩy thực hiện thành công Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.
Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG